[In trang]
Bản tin Năng lượng xanh: Orsted rút khỏi tập đoàn dự thầu dự án năng lượng gió ngoài khơi ở Na Uy
Thứ tư, 15/11/2023 - 06:43
Công ty phát triển năng lượng gió ngoài khơi Đan Mạch Orsted đã chính thức rút khỏi một tập đoàn dự thầu các dự án năng lượng gió ngoài khơi của Na Uy, chỉ vài ngày sau khi công ty này rút khỏi hai dự án năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ.
Orsted rút khỏi tập đoàn dự thầu dự án năng lượng gió ngoài khơi ở Na Uy
Việc rút khỏi dự thầu diễn ra chỉ hai ngày trước thời hạn ngày 15/11 của Na Uy để nộp các khoản chi phí sơ tuyển dự thầu cho việc xây dựng công suất năng lượng gió ngoài khơi lên tới 1,5 gigawatt.
Công ty Bonheur ASA của Na Uy cho biết Orsted đã thông báo rằng do ưu tiên đầu tư trong danh mục đầu tư của mình, họ sẽ rút lui khỏi việc theo đuổi tham gia phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Na Uy và do đó, việc tham gia của họ vào quan hệ đối tác với Bonhuer ASA sẽ chấm dứt.
Trong một thông báo riêng rẽ cho Reuters, Orsted cho biết họ không còn ưu tiên phát triển năng lượng gió ngoài khơi ở Na Uy nữa.
Đầu tháng 11 vừa qua, Orsted đã từ bỏ các dự án gió ngoài khơi của Mỹ với lý do chi phí tăng cao, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lãi suất cao.
Trước khi rút khỏi các dự án của Mỹ, Giám đốc điều hành Orsted Mads Nipper đã phát biểu cho rằng chính quyền Tổng thống Biden cần đảm bảo hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án vào thời điểm lạm phát tăng cao đang làm suy yếu lĩnh vực năng lượng tái tạo. Lẽ ra Orsted có thể nhận được ít nhất 30% khoản tín dụng thuế theo Đạo luật Giảm phát của Hoa Kỳ (IRA); tuy nhiên, công ty đã đề nghị chính quyền Biden đảm bảo trợ cấp mà không đòi hỏi đi kèm nội dung yêu cầu sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước Mỹ, đồng thời cũng đề nghị cho thêm thời gian để tìm nguồn nguyên liệu do Mỹ sản xuất do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng.
Vào cuối tháng 8, Orsted cảnh báo rằng họ có thể phải đối mặt với khoản lỗ lên tới 2,3 tỷ USD đối với các dự án ở Mỹ. Cổ phiếu của Orsted giảm mạnh 20% vào ngày 1/11 khi chính thức rút khỏi các dự án ở Mỹ.
Mặc dù có sự hỗ trợ của IRA, các cổ phiếu năng lượng tái tạo đã hoạt động kém hơn đáng kể so với các cổ phiếu nhiên liệu hóa thạch và cũng như tại thị trường rộng lớn hơn trong năm nay, với tình trạng bán tháo gần đây tăng nhanh do lãi suất cao.
Công ty Octopus của Anh có khoản đầu tư đầu tiên vào năng lượng gió ngoài khơi của Đức
Octopus Energy của Anh cho biết họ đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào dự án năng lượng gió ngoài khơi của Đức theo kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động năng lượng tái tạo tại thị trường lớn thứ ba thế giới này. Được xếp thứ ba toàn cầu sau Trung Quốc và Anh, Đức có công suất năng lượng gió ngoài khơi hơn 8 Gigawatt (GW) và đặt mục tiêu đạt 70 GW vào năm 2045.
Octopus cho biết Octopus Energy Generation đã nắm giữ 5% cổ phần của Butendiek, một trang trại gió ngoài khơi có 80 tuabin, cách đảo Sylt ở Biển Bắc 32 km về phía tây. Trang trại gió này hoạt động từ năm 2015, có công suất 288 megawatt (MW), đủ cung cấp điện sạch cho 370.000 ngôi nhà.
Zoisa North-Bond, Giám đốc điều hành của Octopus Energy Generation, cho biết Đức là quốc gia đi đầu trên toàn cầu về năng lượng gió ngoài khơi và đang trên đường trở thành thị trường năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất châu Âu. Octopus Energy Generation có kế hoạch tham gia để nước Đức đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình, với nhiều thỏa thuận về nhiều công nghệ tái tạo sắp ra mắt.
Octopus Energy Generation có kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng gió ngoài khơi trên toàn cầu vào năm 2030, nhằm tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận đầu tư vào trang trại gió ngoài khơi ở Đức diễn ra ngay sau quyết định của Octopus muốn chuyển hơn 1 tỷ euro đầu tư vào năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng ở Đức vào năm 2030.
Octopus lần đầu tiên tham gia thị trường năng lượng tái tạo của Đức vào năm 2022 và kể từ đó đã đầu tư vào 4 trang trại gió trên bờ với tổng công suất 100 MW, đủ cung cấp điện cho 100.000 ngôi nhà.
Ngoài Đức, Octopus còn đầu tư vào các trang trại gió ngoài khơi ở Anh và Hà Lan, cũng như vào các nhà phát triển các dự án gió ngoài khơi mới ở các quốc gia bao gồm Na Uy, Thụy Điển và Hàn Quốc.
Nhật Bản, Hàn Quốc thiết lập mạng lưới cung cấp hydro và amoniac chung
Thứ Sáu vừa qua (10/11), tờ báo tài chính Nikkei đưa tin rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thiết lập một mạng lưới cung cấp chung các loại nhiên liệu trung hòa carbon như hydro và amoniac.
Tờ báo cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sẽ công bố khuôn khổ hợp tác này vào ngày 17/11 tại Hoa Kỳ, nơi họ sẽ tham gia Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Nikkei cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai nước đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, có kế hoạch hợp tác để đàm phán giá cả và khối lượng, đồng thời, với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính được nhà nước hậu thuẫn, sẽ giúp các công ty huy động vốn cho các dự án hydro và amoniac bên ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chưa đưa ra bình luận về thông tin này.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã đến thăm Trung Đông để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh và tái tạo, trong đó bao gồm cả nguồn cung cấp hydro và amoniac, là nguồn nhiên liệu mà Nhật Bản muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn trong cơ cấu năng lượng, nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch./.
Theo Petrotimes