Cập nhật tình hình đầu tư, sản xuất điện trên thế giới và Việt Nam trong năm 2023
Thứ tư, 27/12/2023 - 11:41
Năm 2023 đầy sóng gió với ngành năng lượng, nhưng riêng phân khúc điện, không chỉ duy trì ‘dòng chảy’ cho phát triển của nhân loại, mà còn đảm nhận cả nhiệm vụ kép trong chuyển dịch năng lượng. Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp đôi nét về sản lượng điện của các nguồn điện trên thế giới và các khoản đầu tư diễn ra trong năm qua để chúng ta có cái nhìn bao quát hơn.
Đầu tư các nguồn điện mới của thế giới trong năm 2023:
Năm 2023, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể. Sự tăng trưởng này không chỉ là dự đoán, mà còn là điều cần thiết khi thế giới đang phải vật lộn với nhu cầu cấp thiết nhằm giảm nhẹ biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang một tương lai năng lượng bền vững hơn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Đầu tư toàn cầu vào than tăng 10% vào năm 2023 lên 150 tỷ USD, gần 90% khoản đầu tư này là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ - nơi cả hai nước đều đang tìm cách mở rộng sản xuất và phát triển các mỏ than mới. Khoảng 40 GW nhà máy điện than mới đã được phê duyệt vào năm 2022 (con số cao nhất kể từ năm 2016), hầu hết trong số này đều ở Trung Quốc - quốc gia đang tập trung vào an ninh năng lượng sau khi nhiều khu vực trong nước phải đối mặt với tình trạng mất điện trong thời gian gần đây.
Theo tạp chí Forbes: Sự bùng nổ đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024, tập trung 3 khu vực chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ thu hút hơn 10 nghìn tỷ USD đầu tư vào năm 2050, trong đó nguồn điện gió, mặt trời dẫn đầu. Sự tăng trưởng này sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu mạnh mẽ và các biện pháp khuyến khích năng lượng sạch kỷ lục (ví dụ ở Hoa Kỳ có Đạo luật Giảm lạm phát - IRA).
Tương lai luôn đi kèm với những thách thức riêng của nó. Theo báo cáo của McKinsey: Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ phải đối mặt với một số thách thức sẽ định hình tương lai sau 2023 (bao gồm khan hiếm diện tích đất, thiếu lao động và áp lực chuỗi cung ứng).
Theo IEA: Trong năm 2023 các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ USD được phân bổ cho năng lượng tái tạo, hạt nhân, lưới điện, lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu quả và sử dụng năng lượng. Khoảng 1 nghìn tỷ USD dành cho nhiên liệu hóa thạch không lưu trữ carbon, trong đó 15% dành cho than và phần còn lại dành cho dầu khí. Các dòng vốn này đã khiến tỷ lệ đầu tư vào năng lượng sạch và nhiên liệu hóa thạch trở thành 1,7:1, so với 1:1 cách đây 5 năm.
Nhiên liệu hóa thạch vẫn thống trị hệ thống điện toàn cầu:
Theo số liệu trang tin trực tuyến Đức Statista.com (SC) công bố ngày 7 tháng 9 năm 2023: Nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn sản xuất điện lớn nhất trên toàn thế giới. Năm 2022, than chiếm khoảng 35,8% tổng nguồn năng lượng toàn cầu, trong khi khí đốt tự nhiên theo sau với thị phần 22%. Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng than lớn nhất được sử dụng để sản xuất điện vào năm 2021.
Hơn 3/4 tổng lượng điện sản xuất từ than trên thế giới được tiêu thụ chỉ ở 3 quốc gia. Trung Quốc là quốc gia sử dụng than nhiều nhất (chiếm 53,3% nhu cầu than toàn cầu), tiếp theo là Ấn Độ (13,6%) và Hoa Kỳ (8,9%). Việc sử dụng than trong sản xuất điện thực sự đã tăng 91,2% kể từ năm 1997 - năm mà thỏa thuận khí hậu toàn cầu đầu tiên được ký kết tại Kyoto, Nhật Bản.
Đến năm 2035, các dự báo cho thấy: Năng lượng tái tạo đã vượt qua nhiên liệu hóa thạch để trở thành nguồn năng lượng chính. Trung Quốc là nước tiêu thụ điện lớn nhất thế giới, tiêu thụ hơn 7.800 tỷ kWh điện mỗi năm. Tuy nhiên, nước này lại chiếm dân số lớn trên thế giới và mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của nước này nhỏ hơn gần 10 lần so với mức tiêu thụ của Iceland, mặc dù nguồn điện sử dụng ở quốc gia này gần như hoàn toàn từ các nguồn sạch.
Theo Ember: Nhiên liệu hóa thạch tạo ra 59,9% điện năng toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 (8.100 TWh), so với 60,1% cùng kỳ năm ngoái (8.091 TWh). Sản lượng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu hầu như không thay đổi, chỉ tăng 0,1% (+9 TWh) trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo hãng tin Bloomberg: Việc đốt than tạo ra khoảng 10.373 TWh điện trên toàn thế giới vào năm 2023, sau đó giảm xuống còn 10.332 TWh vào năm tới. Đó là một sự thay đổi nhỏ nhưng đáng kể.
Về sản lượng điện thực tế, sản lượng điện đốt than mới đạt mức cao mới 837,7 TWh tính đến tháng 8, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn khoảng 7% so với tổng sản lượng phát điện từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2019.
Tuy nhiên, trong khi tỷ trọng của than trong tổng cơ cấu sản xuất điện đã giảm từ khoảng 16% ở châu Âu và 21% ở Bắc Mỹ vào năm 2019 xuống còn khoảng 14% ở cả châu Âu và Bắc Mỹ trong năm nay. Còn tỷ trọng của than ở châu Á hầu như không thay đổi (ở mức khoảng 56%).
Hơn nữa, sản lượng điện than trung bình hàng tháng ở châu Á đã tăng từ khoảng 590 TWh năm 2019 lên 686 TWh từ đầu năm đến nay, do sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.
Hiện Trung Quốc có 209 nhà máy điện than mới đang được xây dựng, hoặc được cấp phép, chiếm 72% công suất theo kế hoạch, nhưng chưa xây dựng của thế giới. Nếu tất cả các dự án này được xây dựng, Trung Quốc sẽ bổ sung số lượng tương đương toàn bộ công suất điện than của Ấn Độ vào lưới điện trong vòng 5 năm tới, tăng công suất điện than khoảng 23% vào năm 2030.
Indonesia, Philippines và Ba Lan đều có nguồn cung hơn một nửa điện năng từ than, đảm bảo tổng lượng tiêu thụ than sẽ vẫn được hỗ trợ tốt trong những năm tới bất chấp những nỗ lực nhằm hạn chế sử dụng than ở các quốc gia khác.
Khí đốt tự nhiên chiếm thị phần sản xuất điện lớn thứ hai trên toàn cầu, chiếm khoảng 22,6% tổng sản lượng điện từ đầu năm đến nay. Tổng sản lượng điện thế giới từ khí đốt tự nhiên đạt mức cao mới 630 TWh vào tháng 8 năm 2023, chủ yếu do sản lượng điện chạy bằng khí đốt tăng mạnh ở Hoa Kỳ trong mùa hè ở Bắc bán cầu khi nhu cầu điều hòa không khí lên đến đỉnh điểm. Sản lượng khí đốt cũng đạt mức cao mới ở Trung Quốc trong năm 2023. Ngoài ra, còn có các thị trường sử dụng khí đốt quan trọng khác (bao gồm Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Năng lượng tái tạo tăng tốc gần gấp ba lần tốc độ tăng của nhiên liệu hóa thạch:
Trên toàn thế giới, việc sản xuất điện từ các nguồn tái tạo đã tăng với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ của nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2019. Dữ liệu của Ember cho thấy: Tỷ lệ điện sạch trong tổng sản lượng điện vẫn chưa vượt qua ngưỡng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 8. Điều này cho thấy, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn điện chính cho thế giới.
Theo IEA: Năm 2023 đang đặt tốc độ cho một giai đoạn tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo. Việc bổ sung công suất tái tạo toàn cầu tăng vọt từ 107 GW lên hơn 440 GW vào năm 2023.
Công suất điện gió trên bờ tăng đang đóng vai trò dẫn đầu trong sự tăng trưởng chung của thị trường. Sau hai năm suy giảm, công suất gió trên bờ bổ sung tăng trở lại 70% vào năm 2023 lên mức kỷ lục mọi thời đại là 107 GW, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trung Quốc dự kiến sẽ củng cố vai trò là quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo toàn cầu trong những năm tới, chiếm gần 70% tổng số dự án gió ngoài khơi mới, cũng như hơn 60% điện gió trên đất liền và 50% tổng điện gió trên đất liền.
Châu Âu với dân số khoảng 740 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số toàn cầu, là châu lục tiêu thụ điện lớn thứ ba thế giới (sau châu Á và Bắc Mỹ). Châu Âu luôn đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Với hơn 1.450 TWh sản xuất điện tái tạo vào năm 2021, khu vực này tự hào có con số lớn thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau châu Á. Tuy nhiên, vẫn còn thấp, năm 2022, các nguồn tái tạo chiếm chưa đến 40% sản lượng điện của EU. Mặc dù năng lượng hạt nhân là nguồn điện lớn nhất trong khu vực với hơn 600 TWh, nhưng nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng góp tỷ trọng tương đương với năng lượng tái tạo, trong đó riêng khí đốt đã cung cấp 1/5 sản lượng điện của EU trong năm 2023.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời châu Âu (SPE): Năm 2023, EU lắp đặt kỷ lục 56 GW năng lượng mặt trời. Dự báo, tốc độ sẽ chậm hơn ở mức 11% vào năm 2024, khi công suất lắp đặt hàng năm dự kiến đạt 62 GW. Năm 2023, Đức trở lại vị trí dẫn đầu, với 14,1 GW công suất mới. Tiếp theo là Tây Ban Nha (8,2 GW), Ý (4,8 GW), Ba Lan (4,6 GW) và Hà Lan (4,1 GW). Ở Trung và Đông Âu, Séc, Bulgaria và Romania đã vượt qua ngưỡng 1 GW bổ sung năng lượng mặt trời hàng năm.
Hoa Kỳ, năm 2023, quốc gia này đã bổ sung thêm 33 GW công suất năng lượng mặt trời, tăng 55% so với năm 2022. Năng lượng mặt trời chiếm 48% tổng công suất phát điện mới ở Hoa Kỳ trong 9 tháng đầu năm nay, với tổng công suất lắp đặt là 161 GW từ khoảng 4,7 triệu công trình lớn nhỏ. Dự kiến đến năm 2028, công suất điện mặt trời của Mỹ dự kiến sẽ đạt 377 GW.
Một vài con số trong đầu tư và sản lượng điện của Việt Nam năm 2023:
Năm 2023, chúng ta đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, công suất 1.200 MW và Nhiệt điện Vân Phong 1 (hoàn thành tổ máy 1), công suất 716 MW.
Bên cạnh đó, ngành điện Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là dự án lưới điện 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch đến Phố Nối). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên cũng đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023.
Theo số liệu cập nhật: Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện Việt Nam năm 2023 ước đạt 280,1 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,45% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Theo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương): Sản lượng phát thực tế của các loại hình nguồn điện ước tính cả năm 2023 so với phương án kế hoạch như sau: Thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh.
Nếu so sánh với thực tế đã thực hiện năm 2022, thì sản lượng thủy điện giảm 22,5 tỷ kWh, nhiệt điện than tăng 28,2 tỷ kWh, nhiệt điện dầu tăng 1,2 tỷ kWh và năng lượng tái tạo tăng 2,8 tỷ kWh./.
Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam