[In trang]
Giải bài toán phát triển năng lượng bền vững trong tình hình mới Bài 1: Bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng
Chủ nhật, 14/01/2024 - 20:05
Trong giai đoạn 2016-2021, ngành năng lượng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các khâu khai thác, chế biến, vận chuyển và phân phối nhiên liệu...
Trong giai đoạn 2016 - 2021, ngành năng lượng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các khâu khai thác, chế biến, vận chuyển và phân phối nhiên liệu và điện lực cơ bản đã đáp ứng đủ cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, nâng cao đời sống người dân.

Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải
Hành lang pháp lý ngày hoàn thiện
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hướng tới phát triển bền vững đất nước, nhiều văn kiện của Đảng liên quan đến đường lối, chủ trương nhằm định hướng, thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng và đáp ứng đồng bộ các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước đã được ban hành.
Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển năng lượng đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc thực hiện, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương lớn khác có liên quan của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, Nghị quyết số 55 - NQ/TW ngày 11.2.2020 đã khẳng định: “Năng lượng phải đi trước một bước”. Quan điểm chiến lược này đã tạo đà cho ngành năng lượng phát triển, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, trong giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội đã ban hành một Bộ luật, 26 Luật, 7 Nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành hơn 500 văn bản; chính quyền địa phương ban hành khoảng 600 văn bản về phát triển năng lượng.
Với số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn đã được ban hành, theo các chuyên gia, pháp luật về năng lượng của nước ta đã từng bước được hoàn thiện, bước đầu hình thành một hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực phát triển năng lượng, từng bước điều chỉnh các phân ngành năng lượng và các nhóm quan hệ lớn trong từng phân ngành. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn năng lượng theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng, quốc phòng - an ninh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và làm tiền đề quan trọng để phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Đặc biệt, đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới với yêu cầu đổi mới về tư duy và cách tiếp cận trong phát triển năng lượng quốc gia, để triển khai Nghị quyết 55-NQ/TW, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy nêu rõ, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, trong đó có Luật Điện lực. Luật Dầu khí có nhiều nội dung mang tính đột phá như: Bổ sung chính sách đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí; hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư; hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí… Rào cản để huy động vốn đầu tư tư nhân trong đầu tư hạ tầng lưới điện cũng đã được khắc phục kịp thời tại Luật này.
Ngành năng lượng phát triển vượt bậc
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã vào cuộc đồng bộ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển vượt bậc trong giai đoạn này. Nhờ vậy, tổng năng lượng sơ cấp tăng bình quân 8,7%/năm, tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng bình quân 6,8%/năm; tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2020 đạt 247 tỷ kWh, tăng 1,5 lần so với năm 2015; ngành dầu khí đóng góp ngân sách 7 - 10%/năm; ngành than đáp ứng đủ than cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu sản xuất điện; chất lượng xăng dầu được tăng lên, số trạm cung ứng xăng dầu bao phủ nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ bản của doanh nghiệp, người dân. Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng và ban hành Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; hơn 85% người dân tiếp cận các kiến thức về tiết kiệm năng lượng; đến cuối năm 2022 đã có 100% số xã và 11/12 huyện đảo đã có điện.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, việc thực hiện lộ trình chuyển đổi ngành điện, than, dầu khí và sản phẩm xăng dầu sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, việc thiết lập thị trường phát điện canh tranh và vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ năm 2019 đến nay đã từng bước nâng cao tính công bằng, minh bạch, góp phần giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp và nguồn năng lượng. Đầu tư phát triển năng lượng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước đã huy động được nguồn vốn lớn; hạ tầng năng lượng ngày càng được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Bùi Xuân Thông, Viện Hải văn và Môi trường Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn này, ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời có bước phát triển đột phá, đã hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng, địa phương có lợi thế, góp phần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng.
Số liệu thống kê cho thấy, tới cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt khoảng 6.000MW, trong đó có 5.290MW điện mặt trời, khoảng 500MW điện gió và 325MW công suất điện sinh khối. Tổng công suất của điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối đã chiếm xấp xỉ 10% tổng công suất đạt của hệ thống điện. Kết quả này, theo PGS.TS. Bùi Xuân Thông, là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta ứng phó với tình hình thiếu điện những tháng đầu năm 2023.
Như vậy, có thể khẳng định, trong giai đoạn năm 2016 - 2021, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tạo tiền đề cho việc phát triển nguồn năng lượng Việt Nam trong tương lai. Ngành năng lượng đã bám sát và triển khai theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo daibieunhandan.vn