[In trang]
Nhịp đập năng lượng ngày 29/9/2023
Thứ hai, 02/10/2023 - 05:55
​Ả Rập Xê-út có thể từ bỏ cắt giảm sản lượng sớm hơn dự kiến; Nga kỳ vọng bội thu nhờ xuất khẩu dầu khí; Đức sắp đạt được thỏa thuận mua lại lưới điện lớn nhất… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 29/9/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ả Rập Xê-út có thể từ bỏ cắt giảm sản lượng sớm hơn dự kiến
Công ty tư vấn Rapidan Energy Group cho biết Ả Rập Xê-út có thể bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng sớm hơn dự báo vì nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này sẽ không liều để việc giá quá cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu thô, Oil Price đưa tin.
Theo chủ tịch Bob McNally của Rapidan Energy, Ả Rập Xê-út có thể bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sớm hơn các nhà giao dịch nhận ra vì nước này không muốn thị trường quá nóng. Ông McNally nói với Bloomberg Television hôm 28/9: “Họ không muốn cố tình thắt chặt thị trường quá mức, bởi vì nếu bạn khiến giá tăng đột biến thì nhu cầu sẽ sụt giảm và bạn sẽ gánh chịu hậu quả”.
Chuyên gia năng lượng này cho biết thêm: “Cách thực sự hợp lý để đưa giá về mức ổn định là Ả Rập Xê-út và OPEC+ phải nói: “Chúng tôi đã đưa ra quan điểm của mình, chúng tôi đã loại bỏ tình trạng bán khống đầu cơ”.
Nga kỳ vọng bội thu nhờ xuất khẩu dầu khí
Theo các định hướng chính về Chính sách Ngân sách và Thuế quan cho năm 2024 và giai đoạn 2025-2026 của Nga, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga dự kiến tăng từ 8,86 nghìn tỷ rúp (91,6 tỷ USD) trong năm 2023 lên 11,5 nghìn tỷ rúp (118,9 tỷ USD) trong năm 2024, tức tăng gần 30%,
Trong năm 2025, doanh thu từ những mặt hàng năng lượng này dự kiến sẽ tăng lên tới 11,8 nghìn tỷ rúp (121,97 tỷ USD) và giảm nhẹ vào năm 2026 xuống 11,4 nghìn tỷ rúp (117,8 tỷ USD).
Theo kế hoạch, khi xem xét diễn biến tỷ giá hối đoái và sửa đổi luật thuế, tỷ lệ thu nhập từ dầu khí vào năm 2024 ước tính là 6,4% tổng GDP, tăng từ mức 5,3% vào năm 2023. Đồng thời, Bộ Tài chính Nga dự đoán đến năm 2026, tỷ trọng thu nhập từ dầu khí trong GDP sẽ giảm xuống 5,6% do bình ổn giá và tăng tỷ trọng sản lượng dầu từ các mỏ được ưu đãi thuế.
Ông lớn Saudi Aramco bước chân vào thị trường LNG quốc tế
Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa đặt chân vào hoạt động kinh doanh LNG toàn cầu bằng cách mua một lượng cổ phần thiểu số của công ty LNG MidOcean Energy, một công ty đang trong quá trình mua lại cổ phần trong bốn dự án LNG của Úc, Oil Price đưa tin.
Thỏa thuận cổ phần LNG được công bố hôm 28/9 bao gồm một lựa chọn để Aramco tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần và các quyền liên quan trong MidOcean Energy trong tương lai. Aramco cho biết thỏa thuận này phải tuân theo các điều kiện kết thúc, bao gồm các phê duyệt theo quy định.
Bình luận về thỏa thuận này, Chủ tịch thượng nguồn Aramco, ông Nasir K. Al-Naimi, cho biết: “Đây là một bước quan trọng trong chiến lược của Aramco nhằm trở thành công ty LNG hàng đầu thế giới”. Ông Al-Naimi cho biết thêm: “MidOcean Energy được chuẩn bị tốt để tận dụng nhu cầu LNG ngày càng tăng và mối quan hệ đối tác chiến lược này phản ánh sự sẵn sàng hợp tác của chúng tôi với các công ty quốc tế hàng đầu để xác định và mở khóa các cơ hội mới ở cấp độ toàn cầu”.
Nga chưa có kế hoạch tăng nguồn cung dầu thô để bù đắp lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu
Điện Kremlin cho biết hôm 28/9 rằng Nga vẫn chưa thảo luận với nhóm các nhà khai thác dầu hàng đầu OPEC+ về khả năng tăng nguồn cung dầu thô để bù đắp cho lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của quốc gia này, theo Reuters. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Không có cuộc thảo luận nào về vấn đề này, chúng tôi tuân thủ tất cả các thỏa thuận trong OPEC+ và các đối tác của chúng tôi cũng làm như vậy”.
Theo kế hoạch của OPEC+, Moscow đã hứa sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 5% sản lượng. Ngoài ra, Nga cam kết giảm xuất khẩu dầu thô 300.000 thùng/ngày, từ mức xuất khẩu trung bình trong tháng 5 và tháng 6, cho đến cuối năm. Trong khi đó, Nga đang phải vật lộn với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel trong những tháng gần đây.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov trước đó cho biết rằng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu sẽ được giữ nguyên cho đến khi thị trường trong nước ổn định.
Đức sắp đạt được thỏa thuận mua lại lưới điện lớn nhất
Chính phủ Đức sắp đạt được thỏa thuận mua lưới điện lớn nhất từ ​​TenneT (thuộc nhà điều hành Hà Lan Tennet Holding) trong một thỏa thuận ước tính trị giá khoảng 21 tỷ USD (20 tỷ euro). Theo nguồn tin của Bloomberg, các chi tiết chính về một giao dịch tiềm năng đã được thảo luận tại cuộc họp trong tuần này và mức định giá có thể trong khoảng 20-30 tỷ euro đã được thảo luận trước đó.
Việc kiểm soát lưới điện có thể cho phép Đức đẩy nhanh tốc độ bổ sung công suất tái tạo vào hệ thống vì nước này đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết vào tuần trước rằng các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 50% lượng điện năng của Đức trong năm nay.
Đến năm 2030, Đức đặt mục tiêu có 80% năng lượng tái tạo chiếm 80% sản lượng điện của mình. Việc bổ sung năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang tăng lên, nhưng không đủ nhanh để đáp ứng các mục tiêu của Đức, ông Habeck cho hay.
Theo Petrotimes