Tăng cường hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân giữa Việt Nam và Liên bang Nga
Thứ tư, 19/04/2023 - 13:33
Liên bang Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam sớm triển khai xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST), đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ, nâng cao năng lực về công nghệ và an toàn hạt nhân…
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko Dmitry Nikolaevich khi đến thăm Viện Năng lượng Nguyên tử (NLNT) Việt Nam nhân dịp ông tham dự Phiên họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga vừa diễn ra.
Cầu nối gắn kết Việt Nam - Liên bang Nga
TS Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam cho biết, ngành NLNT, cũng như Viện NLNT Việt Nam được hình thành gần 50 năm và phát triển trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Điển hình là việc khôi phục và nâng cấp Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đưa vào vận hành vào năm 1984. Đây là công trình đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác khoa học giữa 2 nước. Hiện nay, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vẫn tiếp tục vận hành an toàn và hiệu quả, được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá rất cao, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm gần đây, Việt Nam và Liên bang Nga đã hợp tác trong Dự án CNST theo Hiệp định Liên Chính phủ ký kết năm 2011. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018 và đang được Viện NLNT Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga (RosAtom) triển khai các thủ tục cần thiết. Hồ sơ yêu cầu đã chuyển cho RosAtom trong tháng 03/2023, phía RosAtom (Viện Thiết kế chuyên ngành GSPI) cũng đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất dự thầu (dự kiến ngày 17/04/2023 sẽ mở thầu, nếu đáp ứng, 2 bên sẽ nỗ lực đàm phán để có thể ký kết Hợp đồng FS vào giữa năm 2023). Bên cạnh đó, RosAtom cũng đang chuẩn bị đầu tư vào Công ty Chiếu xạ Cần Thơ (đơn vị chiếu xạ kiểm dịch phục vụ xuất khẩu nông sản/thực phẩm, thuỷ/hải sản Việt Nam); RosAtom và Viện NLNT Việt Nam cùng Tập đoàn Hưng Thịnh đang bắt đầu trao đổi hợp tác trong chế biến khoáng ven biển (trữ lượng khoảng 100 triệu tấn tại Bình Thuận), hướng tới tách nguyên tố đất hiếm, sản xuất zirconium, bột titan và titan kim loại. Ngoài ra, 2 bên cũng tăng cường trao đổi hợp tác về sản xuất dược chất phóng xạ mới tại Việt Nam để điều trị ung thư, nâng cao năng lực y học hạt nhân hướng tới lò nghiên cứu mới. Đặc biệt, Viện NLNT Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna trong Dự án lò nghiên cứu mới và gửi cán bộ sang làm việc tại Dubna nhằm đào tạo đội ngũ đầu đàn cho dự án CNST…
Khẳng định thêm sự hỗ trợ quý báu từ Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh, Việt Nam và Nga đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được trải rộng từ năng lượng nguyên tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới, điện tử, tự động hóa đến khoa học xã hội và nhân văn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng kỳ vọng sự hợp tác giữa Việt Nam và Nga sẽ được đẩy mạnh về mọi mặt, trong đó có hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như Dự án xây dựng lò nghiên cứu mới.
Sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về công nghệ của nhà máy điện hạt nhân
Phó Thủ tướng Nga Chernyshenko Dmitry Nikolaevich chia sẻ, trong Phiên họp lần thứ 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga diễn ra ngày 06/04/2023, ông đã trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và nhấn mạnh rằng, Nga sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam trong công nghệ nhà máy điện hạt nhân. Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Chernyshenko khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và nhấn mạnh, Nga mong muốn mở rộng và thắt chặt hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mà 2 bên có tiềm năng và nhu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực NLNT.
Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới, hợp tác giữa Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục được đẩy mạnh về mọi mặt, trong đó có các kết quả hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như dự án xây dựng lò nghiên cứu hạt nhân mới.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn độc lập, tự chủ về công nghiệp, công nghệ và năng lượng, đây là một sự tự chủ quan trọng. Phía Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam sớm tham gia câu lạc bộ những nước có công nghệ hạt nhân. Liên bang Nga luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng, thân thiện và nhiều triển vọng.
Phó Thủ tướng Nga bày tỏ mong muốn, hợp đồng FS thực hiện dự án CNST cần được 2 bên đẩy nhanh triển khai và hy vọng được ký vào cuối tháng 06/2023 nhân dịp khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đến thăm thành phố Saint Petersburg và diễn ra Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg. Hợp đồng thực hiện dự án CNST có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng phát triển.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam