[In trang]
Hội thảo góp ý Dự thảo lần thứ 5 Luật Điện lực (sửa đổi)
Thứ bảy, 10/08/2024 - 10:25
Chiều 9/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã dự và chủ trì hội thảo cùng Phó Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch; Tham dự hội thảo còn đại diện Hội đồng dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cùng một số Cục, vụ thuộc Bộ; Đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp -Than khoáng sản Việt Nam…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nêu rõ, với mục đích thu thập thêm thông tin, ý kiến chuyên gia, các bộ, ngành hữu quan để phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện lực (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 này. Dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
“Theo Tờ trình của Chính phủ, đây là bản sửa đổi lần thứ 5, thời gian qua Bộ Công Thương đã cố gắng nỗ lực để hoàn thiện dự thảo Luật gồm 9 chương, 121 điều với 6 nhóm chính sách lớn. Chỉ còn 3 tháng dự thảo Luật dự kiến được trình Quốc hội, áp lực về thời gian đối với cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra là rất lớn”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo
Để có thể thu thập tối đa thông tin từ các đối tượng liên quan đặc biệt là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ luật này, trước đó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo nhằm thu nhận ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo này là dịp để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo luật.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho hay: Qua tương tác, trao đổi thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy điện luôn là một trong những chủ trương được nhiều doanh nghiệp nêu ra trong đó tập trung vào một số nội dung như: Vấn đề đủ điện cho sản xuất kinh doanh; phát triển năng lượng tái tạo; chất lượng và sự ổn định cung cấp điện; vấn đề công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu rủi ro trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư và triển khai dự án trong lĩnh vực điện lực; các cơ chế mới trong lĩnh vực điện lực như giá điện hai thành phần, cơ chế mua bán điện trực tiếp và cạnh tranh thị trường bán lẻ điện là những vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập và quan tâm.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn đánh giá cao dự thảo đã được sửa đổi lần thứ 5, điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bộ Công Thương – cơ quan soạn thảo luật. Bản cập nhật lần thứ 5 cũng đã thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nội dung của dự thảo đã giải quyết được cơ bản các vấn đề về quy hoạch điện, giá điện, thị trường điện… có định hướng và bao quát được các vấn đề quan trọng tuy nhiên ở một số nội dung cần làm rõ hơn, như mức độ, quy mô dự án như thế nào cần giao quyền từ Chính phủ, không nên đưa hết vào trong luật…
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn góp ý tại hội thảo
Một số doanh nghiệp có ý kiến cần có cơ chế mở và khuyến khích cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ trong đầu tư các dự án điện mặt trời mái nhà quy mô nhỏ, điện rác, vấn đề lưu trữ điện, cơ chế giá điện. Có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng tham gia dự án điện gió ngoài khơi cũng như tỷ lệ cổ phần, chuyển nhượng cổ phần đối với dự án điện gió ngoài khơi; quy định cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo từng vùng miền để phát huy tối đa tiềm năng của nguồn điện năng lượng tái tạo đặc biệt là điện mặt trời; điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; quy định về cải tạo, sửa chữa thay thế thiết bị…
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Ban soạn thảo sẽ xem xét và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật như vấn đề cải tạo thiết bị điện, an ninh, an toàn hệ thống điện, cũng như một số khái niệm mới trong hợp đồng kinh doanh mua bán điện, các tiêu chí giá… Đồng thời, ông Quang cũng đã giải đáp một số ý kiến đại biểu nêu liên quan đến DPPA, vấn đề quy hoạch các dự án điện…
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đánh giá: Các ý kiến của đại biểu đóng góp đều rất xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ khẩn trương tổng hợp đầy đủ các ý kiến, đề xuất, để xây dựng Báo cáo thẩm tra sơ bộ trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 55 - NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như chất lượng dự thảo Luật và tính khả thi của các quy định.
Tại Hội thảo, nội dung các đại biểu đưa ra rất phong phú, đa dạng, nhiều nhóm vấn đề đã được trao đổi, thảo luận. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhấn mạnh: Một số các vấn đề lớn trong phát triển điện lực như điện hạt nhân; các chính sách liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi (khảo sát, quá trình đầu tư, vốn, chuyển nhượng vốn...); giá điện, thị trường điện, các hợp đồng mua bán điện… hay các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về trách nhiệm thẩm quyền của các bộ, các địa phương; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững, kèm theo đó là các chính sách khuyến khích; an ninh, an toàn hệ thống điện … Những nội dung này sẽ tiếp tục được cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu.
Thu Hường