[In trang]
Xung kích Công ty Truyền tải điện 3: Những người chiến thắng thầm lặng
Chủ nhật, 01/09/2024 - 07:10
Đã bước qua lằn ranh trung tuần tháng 8, có nghĩa là chỉ còn hơn một tuần nữa là thời hiệu mạch 3 của đường dây 500kV đoạn từ Quảng Trạch đi Phố Nối được hoàn thành và đóng điện thông toàn tuyến 4 dự án từ Quảng Trạch (Quảng Bình) ra Phố Nối (Hưng Yên).
410 con người của Công ty Truyền tải điện 3 đã lên đường với hành trang là hai từ: Trách nhiệm. Ảnh: Ngọc Hà.
Một vài vị trí nằm trên dãy Hoành Sơn vẫn đang gấp rút công đoạn cuối. Những vị trí này thuộc dự án thành phần Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu có chiều dài dài nhất trong 4 dự án thành phần (225,5km), với điểm đầu là sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) và điểm cuối là vị trí nằm cách Trạm biến áp 500kV Quỳnh Lưu (Nghệ An) khoảng 300m. Dự án đi qua các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Sau khi đã hoàn thành công tác hỗ trợ được giao cho xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối, những người lính Truyền tải điện 3 đang tiến hành rà soát lần cuối những công việc họ đã triển khai thực hiện và chờ đợi giây phút mà trong đời làm nghề không phải ai cũng được chứng kiến, đó là đóng điện hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia, một dự án có thể đi vào lịch sử ngành Điện lực Việt Nam về thời gian hoàn thành thi công công trình.
Vị trí cột 188 đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa. Ảnh: Ngọc Hà.
Khi miền Bắc vẫn còn những trận mưa dài rả rích thì các tỉnh Bắc miền Trung vẫn đang mùa gió nóng. Không có gì là bất thường vì gió nóng luôn được coi như một đặc trưng thời tiết khó lẫn của các tỉnh Bắc miền Trung. Khoan nói về một nghề vất vả và nguy hiểm của những người làm nghề vận hành đường dây truyền tải điện và nghề xây lắp điện thì chỉ riêng khí hậu khắc nghiệt đã là những thử thách nghiệt ngã đối với họ. Đã là đường dây truyền tải điện thì không có quyền được lựa chọn những vùng đất “thiên thời, địa lợi”, nó trải dài một cách vô tri với thời tiết và địa hình. Tưởng vậy, mà chưa hẳn đã vậy, khác với đường dây cấp điện áp phân phối, các đường dây truyền tải điện tránh càng xa càng tốt phố thị sầm uất và những nơi có thể phát triển du lịch. Như thế là đồng nghĩa, “ưu tiên” chọn những nơi rừng xanh, núi đỏ heo hút để xây dựng đường dây, dành những khu vực đất đai màu mỡ cho phát triển trồng trọt và vùng khí hậu thuận lợi để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch...Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà khi nói về tình yêu nghề nghiệp của những người lính truyền tải điện thì phải nói rằng, họ là những con người có tình yêu nghề nghiệp thấm đẫm từ căn cốt, những người lính Truyền tải điện 3 cũng vậy. 
Công ty dựng cột vị trí 21 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa và kéo dây đến vị trí 24. Ảnh: Ngọc Hà.
Những người lính Truyền tải điện 3 – họ luôn biết biến cái bất lợi thành cái thuận lợi, mới nghe qua tưởng chừng phi lý, nhưng thực tế đã chứng minh điều đó. Sau khi xảy ra biến cố thiếu điện vào mùa hè năm 2023, Bộ Công Thương và Chính phủ đã nhận ra rằng, trong sản xuất điện, không thể trông chờ nhiều vào thiên nhiên mà phải có các biện pháp dự phòng khác. Vì vậy, triển khai thi công đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch đi Phố Nối được quyết định chóng vánh với thời gian mà hầu như những người trong và ngoài cuộc đều cho rằng duy ý chí, vì phải thực hiện tất cả các khâu từ đấu thầu các gói dự án, thi công cho đến khi đóng điện chỉ vỏn vẹn trong vòng 9 tháng (triển khai tháng 10-2023 và đóng điện tháng 6-2024). 
Vị trí 319 trên địa phận Nam Đàn tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu. Ảnh: Ngọc Hà.
Mặc dù vậy, Dự án vẫn được thi công với ý chí xuyên suốt “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Những người có thẩm quyền quyết định không phải không có căn cứ, bởi Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp đầu tiên xây dựng tại Việt Nam có chiều dài 1.487km kéo dài từ Hòa Bình vào đến Phú Lâm (TP Hồ Chí Minh), đi qua 14 tỉnh, trong đó,  đường dây đi qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du – cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ, nhưng hoàn thành dự án trong vòng chỉ 2 năm. Chính phủ cũng muốn ngành Điện lực Việt Nam phát huy tinh thần đó để “lịch sử” được lặp lại. Đó hoàn toàn là quyết định mang tính tích cực và có căn cứ. Tuy nhiên, khi vào cuộc được ½ thời gian thì Chủ đầu tư và các đơn vị thi công vấp phải trở ngại về khối lượng công việc thi công quá lớn, việc hoàn tất với thời gian dự kiến hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng của các nhà thầu thi công, phải có sự vào cuộc hỗ trợ về nhân lực của các đơn vị trong và ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Một thông báo khẩn được gửi tới các đơn vị trong EVN, cũng như các đơn vị khác trong ngành, Công ty Truyền tải điện 3 thành lập các đội hỗ trợ thi công và từng đội di chuyển thẳng đến các vị trí được giao nhiệm vụ.
103 công nhân hỗ trợ thi công kéo dây cáp quang khoảng néo 35-47 vượt sông Ninh Cơ với tổng chiều dài 4.394m tuyến đường dây 500kV Nam Định 1 – Phố Nối. Ảnh: Ngọc Hà.
410 con người của Công ty Truyền tải điện 3 đã lên đường với hành trang là hai từ: Trách nhiệm. Trách nhiệm là cốt lõi nhân sinh, nghĩ được thế, cảm được thế, làm được thế mới không sợ khó, sợ khổ. Truyền tải điện 3 nhận 3 vị trí đầu tiên đều trên địa phận tỉnh Thái Bình và Nam Định là 37, 38 và 39 sau hơn 2 tuần các Đội xung kích đã hoàn thành và các di chuyển tiếp sang Nam Định, vào Hà Tĩnh, rồi lại ra Thanh Hóa, có nghĩa, đâu cần là họ có mặt. Vị trí nào cũng khó khăn về địa hình, lại đúng vào mùa “mưa không thuận, gió không không hòa” đã khiến cho việc hoàn thành tiến độ thêm khó khăn. Song, họ đã lần lượt vượt qua, vị trí nào, công việc nào cũng hoàn thành với thời gian sớm hơn dự kiến, đúng như một câu dân gian thường nhắc nhủ, “trời không phụ người có công”. Có chèo nước thì cũng có chèo cạn. Có nóng bức gió nam thì cũng có mát rượi gió nồm. Có âm thì có dương. Đến ngọn cỏ cũng biết xanh cho những người đã khuất.
Vị trí 52 tuyến đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu trên dãy Hoành Sơn.
Đúng 23 giờ 23 phút ngày 27-8-2024, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các nhà thầu thi công đã hoàn thành đóng điện 2 mạch Đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu và khép vòng toàn bộ đường dây 500kV mạch 3 từ Trạm biến áp 500kV Quảng Trạch (Quảng Bình) đi Trạm biến áp 500kV Phố Nối (Hưng Yên). Thời khắc này sẽ đi vào lịch sử với thời gian thi công công trình đạt kỷ lục của ngành Điện lực Việt Nam. Cũng tại thời khắc này đường dây 500kV  mạch 3 thông toàn tuyến đường dây 500kV mạch 3 Bắc – Nam từ Trạm biến áp 500kV Phố nối (Hưng Yên) vào đến Trạm biến áp 500kV Cầu Bông (TP Hồ Chí Minh). Từ đây, năng lượng tái tạo sẽ được tăng cường truyền tải ra trung tâm phụ tải lớn là miền Bắc và vào trung tâm phụ tải lớn là miền Nam. 
Ảnh: Ngọc Hà.
Đây chính là biến cái bất lợi thành cái thuận lợi. Bởi vì, các trung tâm năng lượng điện mặt trời và điện gió ở miền Trung đều được sản sinh ra từ nắng và gió – cái thứ mà từ bao đời nay chỉ làm cây cỏ héo khô, sông hồ vơi cạn, con người mệt mỏi. Trên dải đất cong cong hình chữ S này nắng gió miền Trung thuộc về tốp đầu của sự dữ dằn khắc nghiệt. Có nhiều người lần đầu đến miền Trung vào mùa gió nóng đều lắc đầu lè lưỡi, nắng gió tới cỡ này thì sinh sống ra sao, làm ăn thế nào vậy. Thế nhưng, dải đất hẹp neo vào Trường Sơn vẫn bền bỉ sinh tồn và phát triển theo cách nghĩ “Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. 
Ảnh: Ngọc Hà.
Nếu như những người xây dựng thủy điện chinh phục được cơn cuồng nộ của những dòng sông thì những người lính truyền tải đã chinh phục được nắng và gió. Cái năng lượng tưởng như thừa thãi và dường như vô biên vô tận ấy đã không mất đi một cách vô ích. Phải bắt cái nắng, cái gió từng làm ta chịu khổ trở thành kho báu của xứ sở mình. Những cánh chong chóng khổng lồ đã quay, quay thong thả nhờ sức gió tạo ra điện. Cái nắng tạo ra dòng điện mặt trời. Cái nắng, cái gió sẽ chảy vào dòng năng lượng sạch của Tổ quốc bằng những đường dây truyền tải điện.
Ảnh: Ngọc Hà.
Tròn 3 tháng 10 ngày, kể từ ngày lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ cho đến ngày đóng điện khép vòng toàn bộ đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch ra Phố Nối (17/5/2024 – 27/8/2024), những người lính Truyền tải điện 3 đã hoàn thành sứ mệnh được giao với việc hỗ trợ thi công lắp dựng 15 vị trí cột với tổng trong lượng thép cột khoảng 1.342,5 tấn, trong đó, có 11 vị trí là cột đỡ, 4 vị trí là cột néo (1 vị trí kết cấu cột DO), 11 vị trí phải lắp dựng thủ công do địa hình không thể đưa được cần cẩu vào; hỗ trợ thi công kéo dây 4 khoảng néo với tổng chiều dài 3.285 m và đấu lèo tại 7 vị trí: Kéo căng dây khoảng néo 173 - 176, 177 – 179 và đấu lèo tại các vị trí 165, 176, 179 (Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối); kéo căng dây khoảng néo 10-12, đấu lèo tại các vị trí 10, 12 và 17 (Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Thanh Hoá); kéo căng dây khoảng néo 21 -24 và đấu lèo tại vị trí 21 (Đường dây 500kV NMNĐ Quỳnh Lưu - Thanh Hoá).
Ảnh: Ngọc Hà.
103 công nhân hỗ trợ thi công kéo dây cáp quang khoảng néo 35-47 với tổng chiều dài 4.394m; hỗ trợ xiết bulong, lắp thanh giằng chống xoắn tại các vị trí 118 và 121 là những vị trí vượt sông Hồng, vị trí 35 vượt sông Ninh Cơ; kéo căng dây khoảng néo 33-35 vượt sông Ninh Cơ; treo sứ lắp lèo tạm tại vị trí 35; hỗ trợ lắp khung định vị khoảng néo 35 – 36; treo lèo vị trí 64 tại Đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 - Phố Nối.
99 công nhân hỗ trợ  lắp dựng cột vị trí 196 và 197; lắp sứ, kéo dây khoảng néo VT02 -1A-1B - Trụ cổng Trạm biến áp 500kV Thanh Hoá của Đường dây 220kV mạch kép Ba Chè - Thanh Hoá và Ba Chè - Nông Cống; xiết bulong cho vị trí 07 và 11 của Đường dây 220kV mạch kép Ba Chè - Thanh Hoá; cùng với với Điện lực Bạc Liêu lắp dựng cột tại vị trí 28; lắp dựng cột tại vị trí 53 và 17 tại Đường dây 500kV NMNĐ Quỳnh Lưu - Thanh Hoá.
Ảnh: Ngọc Hà.
238 công nhân hỗ trợ lắp dựng cột vị trí 58; lắp sứ tại các vị trí 35, 38, 39; xiết Bulong cột thép vị trí 35; lắp chống xoắn, thanh giằng, lắp xà, xiết bulong, lắp sứ, lắp lèo vị trí 20; xiết bulong cột thép lắp lèo vị trí 22; lắp chống sét van các vị trí 10, 12; xiết bulong lắp chống xoắn và treo cách điện vị trí 317’ treo cách điện vị trí 318, 319; kéo căng dây khoảng néo 124-126; treo sứ néo, lắp lèo tại vị trí 121, 124, xuống máng treo dây vị trí 125 tại Đường dây 500kV NMNĐ Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.
11 cán bộ vật tư hỗ trợ Ban Quản lý dự án các Công trình điện Miền Trung thực hiện kiểm đếm vật tư cột thép trên tuyến đường dây.
Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 Đinh Văn Cường – người được phân công trực tiếp chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước Đảng ủy trong nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ thi công dựng cột, kéo dây tại một số đoạn tuyến của Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối có mặt trong suốt thời gian thực hiện hỗ trợ. Anh cho biết, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các phòng chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan, như: Các Ban Quản lý dự án, Công ty Truyền tải điện 1 - đơn vị Tư vấn giám sát, nhà thầu xây lắp,…để tổ chức khảo sát, lập, duyệt, thỏa thuận phương án tổ chức thi công và biện pháp an toàn đối với từng nhiệm vụ được giao, phù hợp với hiện trạng, nguồn lực và cách thức tổ chức của đơn vị. Tổ chức triển khai thi công theo phương án tổ chức thi công và biện pháp an toàn đã được duyệt, tuân thủ các quy trình, quy định về an toàn nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị và công trình. 
Công ty Truyền tải điện 3 đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về sức khỏe, an toàn - vệ sinh lao động, máy thi công, phương tiện, dụng cụ an toàn, bảo hộ lao động; bảo vệ môi trường; phòng cháy chữa cháy; phòng chống thiên tai...
410 con người của Công ty Truyền tải điện 3 – họ đã hoàn thành nhiệm vụ bằng ý chí quật cường, bằng sự kiên gan đáng ngưỡng mộ. Bất giác làm tôi nhớ đến nhà thơ tài năng Chế Lan Viên từng phát ngôn thơ, đại ý rằng là không phải cái gì cũng đo bằng thước tấc cơ học mà nhiều khi “đem hồn đo cho trời bể thêm sâu”. Một sinh thể dù bé nhỏ nhưng chứa đựng một thế giới rộng lớn là thế. Những người lính Truyền tải điện 3 là thế, không cần định nghĩa, không cần đến sự lý giải.
Ngày mai, họ trở về với công việc quản lý, vận hành - thầm lặng như chưa hề lập lên những kỳ tích với vai trò của những người thợ xây lắp đường dây.
Theo Trang tin điện tử Ngành điện