Lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ Truyền tải kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại Tổ thao tác lưu động Duy Xuyên Truyền tải điện Quảng Nam với nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện 220 - 500kV trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gồm: 05 Đội đường dây Truyền tải điện quản lý 347,198 km đường dây 500kV và 490,348km đường dây 220kV; 05 Trạm biến áp (TBA) tổng công suất 1.965MVA trong đó có 01 TBA 500kV và 04 TBA 220kV. Lưới điện Truyền tải điện Quảng Nam có nhiệm vụ chuyển tải công suất từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và nước bạn Lào để phát lên hệ thống điện Quốc gia, đồng thời cung cấp phụ tải cho các địa phương thông qua 05 Trạm biến áp trực thuộc.
Cũng giống như các khu vực khác của miền Trung, khu vực này có 2 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 02 đến tháng 08, mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 09 và kết thúc vào tháng 01 năm sau, lượng mưa lớn nhất thường vào tháng 11 và 12. Đặc biệt, từ tháng 05 đến tháng 08 hằng năm, trước khi mùa mưa bắt đầu đã có nhiều diễn biến thời tiết bất thường như sấm sét, gió giật, lốc xoáy…, có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, vận hành và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra. Trong nhiều năm qua mặt dù lưới điện của Truyền tải gặp rất nhiều tình huống bất lợi do mưa bão gây ra nhưng do công tác chuẩn bị và xử lý tốt nên hệ thống truyền tải do đơn vị quản lý vận hành vẫn vận hành an toàn, liên tục, hoàn thành nhiệm vụ do PTC2, EVNNPT giao cho.
Thực hiện che bạt phòng ngừa sạt lở móng cột Đường dây 220kV Xekaman 3 – 500kV Thạnh Mỹ thuộc Đội TTĐ Chà Vàl Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, TTĐ Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định trong mùa mưa bão. Theo đó, Truyền tải đã tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), thực hiện tổng kiểm tra lưới điện của Truyền tải, khắc phục các nguy cơ sạt lở và nhiều giải pháp pháp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra, giao các đơn vị trực thuộc xây dựng kịch bản với các phương án ứng phó đặc thù của từng đơn vị. Trong các kịch bản, phương án yêu cầu thể hiện rõ việc điều động nhân lực, thiết bị, vật tư, thuốc men, đồ bảo hộ…với phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Để ứng phó nhanh và hiệu quả trong công tác PCTT&TKCN, Truyền tải điện Quảng Nam đã lựa chọn các phương án có tính chất tương đối phức tạp và có nhiều khả năng xảy ra để thực hiện diễn tập. Trong quá trình diễn tập các đơn vị tham gia đã phối hợp thực hiện tốt phương án đã đề ra, kết quả được Hội đồng diễn tập Truyền tải đánh giá cao. Qua đợt diễn tập trên các đơn vị tiếp tục tự tổ chức diễn tập tất cả các tình huống còn lại, qua đó góp phần nâng cao khả năng xử lý tình huống cho nhân viên vận hành khi có sự cố do mưa bão gây ra.
TTĐ Quảng Nam tổng diễn tập PCTT&TKCN năm 2023 tại vị trí 17 Đường dây Xekaman 3 - 500kV Thạnh Mỹ thuộc Đội TTĐ Chà Vàl. Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, bên cạnh sự nổ lực của toàn thể CBCNV Truyền tải, còn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác phối hợp, trao đổi thông tin PCTT&TKCN, công tác huấn luyện cũng như công tác khắc phục, sửa chữa sau bão lũ, mưa lớn kéo dài xảy ra. Ngoài ra còn có sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo và các phòng chức năng của PTC2, EVNNPT, trong các năm qua lưới điện của Truyền tải đã xảy ra nhiều trường hợp sạt lở taly dương, taly âm, kè móng…có khả năng ảnh hưởng đến vận hành của các đường dây, nhờ sự kiểm tra, chỉ đạo kịp thời của PTC2, EVNNPT, EVN mà nhiều trường hợp đã được xử lý nhanh chóng hơn, đảm bảo vận hành an toàn liên tục của các đường dây và Trạm biến áp.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN các tháng cuối năm 2023, TTĐ Quảng Nam đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đo kiểm nối đất, chống sét các đường dây 220kV, 500kV và các Trạm biến áp; Thực hiện kiểm tra hệ thống mương thoát nước các đường dây, hệ thống thoát nước tại các Trạm biến áp; kiểm tra tình trạng mái che, gia cố khắc phục tình trạng dột, nứt phòng ngừa lốc xoáy tại các nhà vận hành; kiểm tra, sửa chữa các bơm nước đọng đảm bảo sẵn sàng vận hành; kiểm tra hệ thống chiếu sáng sự cố và máy phát dự phòng tại các TBA; thực hiện kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc (điện thoại, bộ đàm, loa khẩn cấp) đảm bảo sẵn sàng hoạt động khi có thiên tai xảy ra; hướng dẫn, bồi huấn kiến thức, thực hành tại chỗ cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên về cách sơ cấp cứu ban đầu./.
Theo EVNNPT