Tăng cường quản lý vận hành
Báo cáo của EVNNPT cho thấy, tính đến tháng 7 năm 2023, EVNNPT quản lý vận hành lưới điện truyền tải quy mô lớn với khoảng 29.600km đường dây, 187 trạm biến áp (TBA) gồm 37 TBA 500kV và 150 TBA 220kV, với tổng công suất 121.150 MVA.
Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn cung cấp đủ điện cho đất nước, thời gian qua, EVNNPT đã tăng cường các giải pháp quản lý kỹ thuật, vận hành bằng cách đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ. Trong đó đã hoàn thiện, triển khai ứng dụng số hóa thông tin lưới điện trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS, hệ thống GIS, phần mềm quản lý vận hành trạm biến áp, phần mềm quản lý vận hành đường dây và phần mềm quản lý thí nghiệm. Ngoài ra, EVNNPT cũng đã triển khai nhiều ứng dụng các công cụ hỗ trợ vận hành như UAV, hệ thống quan trắc cảnh báo sét, định vị sự cố, …
Công nhân EVNNPT sử dụng công nghệ kiểm tra hệ thống điện tại trạm biến áp (Ảnh EVNNPT)Mặc dù, công tác truyền tải điện đã được đảm bảo song khó khăn lớn nhất hiện nay là tuyến đường dây 500kV từ miền Trung ra miền Bắc, nhất là cung đoạn Nho Quan - Nghi Sơn - Hà Tĩnh luôn mang tải cao, thường xuyên bị tác động bởi thời tiết, giông sét do phụ tải miền Bắc tăng cao song nguồn điện bị thiếu hụt.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, EVN về việc bảo đảm đủ điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của Nhân dân vào các tháng cao điểm cuối năm 2023 và cả năm 2024, ngay từ giữa tháng 10, Tổng giám đốc EVNNPT đã có chỉ đạo các đơn vị triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, yêu cầu các Công ty Truyền tải điện vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, giảm sự cố lưới truyền tải; Chuẩn bị sẵn nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án chuẩn bị để khắc phục nhanh nhất các sự cố lưới điện trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh công tác chuyên môn, EVNNPT chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 1 (quản lý lưới điện truyền tải phía Bắc) phối hợp với các nhà máy nhiệt điện khắc phục sự cố, đưa vào vận hành các tổ máy.
Tập trung cho các dự án truyền tải ra Bắc
Một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc năm 2024 và cả nước là đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các đường dây truyền tải 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (gồm 4 dự án); các đường dây 220kV nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc về Việt Nam như Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống; dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ; Đồng thời triển khai nâng cao năng lực lưới điện truyền tải như Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Lắp máy biến áp số 2 trạm biến áp (TBA) 500kV Tây Hà Nội, TBA 500kV Vĩnh Yên, các TBA 220kV Bá Thiện, Phú Thọ 2; Lắp máy 2 các TBA 220kV Thái Thụy, Vĩnh Tường; Lắp đặt tụ bù đảm bảo điện áp lưới điện truyền tải khu vực miền Bắc năm 2024...; các công trình phục vụ đấu nối giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện Hải Dương; Sông Hậu; Nhơn Trạch 3, 4...; các dự án giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc...
Lãnh đạo EVNNPT kiểm tra công tác thi công đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống (Ảnh EVNNPT) Đối với các dự án đặc biệt quan trọng, cấp bách như đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối, EVNNPT đã thành lập 1 ban chỉ đạo, cử nhiều đoàn công tác đến làm việc với từng địa phương, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về công tác mặt bằng cho dự án; kiểm tra, đôn đốc, động viên lực lượng thi công trên công trường. EVNNPT cũng đã triển khai thi công đường dây 500kV Nam Định 1 – Thanh Hoá.
Điều đáng mừng là các địa phương đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ về mặt thủ tục. Nhiều địa phương đã phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất; triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Nhiều ý kiến cho rằng, với các giải pháp đồng bộ về quản lý vận hành cũng như đầu tư xây dựng, tin rằng công tác truyền tải điện, cấp điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ được đảm bảo.
Năm 2023, kế hoạch sản lượng điện truyền tải được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao là 221.800 triệu kWh. Luỹ kế 9 tháng đầu năm EVNNPT đã thực hiện 167.036,9 triệu kWh, bằng 75,3% kế hoạch năm.
Theo Báo Công Thương