Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 10/11/2024 | 21:50 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Quảng Ninh: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án điện khí LNG

03/07/2023
UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị cho dự án Nhà máy điện khí LNG.
Triển vọng lớn từ Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Tại Quyết định này, Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh nằm trong danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.
Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60 ha tại phường Cẩm Thịnh (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô công suất 1.500MW, sản lượng điện dự kiến khoảng 9 tỷ kWh/năm. Sơ bộ tổng mức đầu tư 1,906 tỷ USD do Liên danh nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Công ty cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam cùng với 2 nhà đầu tư Nhật Bản Tokyo Gas – Marubeni thực hiện.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh trao giấy chấp thuận đầu tư Dự án điện khí LNG Quảng Ninh cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni.
Nhiên liệu chính cho nhà máy là khí tái hóa từ LNG nhập khẩu với nhu cầu dự kiến 1,1 triệu tấn/năm. Phạm vi đầu tư gồm 02 tổ máy 2x750MW; 01 bến nhập LNG cho tàu trọng tải 71.500DWT; 02 kho chứa LNG công suất 100.000m3/kho cùng hệ thống tái hóa khí; 3,5km ống dẫn LNG kết nối từ bến cảng tàu đến kho chứa LNG; 30km đường dây 500kV từ nhà máy đến trạm 500kV Quảng Ninh.
Dự kiến đi vào hoạt động thương mại trong quý 3/2027, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án điện khí LNG Quảng Ninh có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguồn điện bổ sung cho nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng tăng của tỉnh Quảng Ninh và cho khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Được biết, ngày 21/6/2023 UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản về việc tham gia ý kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh gửi Bộ Công Thương, trong đó đề nghị Chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, để sớm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận các thủ tục của dự án như: Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Văn bản thẩm duyệt hoặc góp ý về giải pháp phòng cháy, chữa cháy của Bộ Công an về phương án phòng cháy chữa cháy; thỏa thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết của bến cảng và luồng hàng hải; thỏa thuận đấu nối điện, thỏa thuận kết nối hệ thống SCADA/EMS của nhà máy với Trung tâm Điều độ hệ thống lưới điện quốc gia; thỏa thuận lắp đặt hệ thống đo đếm điện...
Bên cạnh đó, để thực hiện đấu nối nhà máy điện vào hệ thống lưới điện quốc gia, Công ty cổ phần điện khí LNG Quảng Ninh cũng đã lập phương án đấu nối gửi các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thỏa thuận. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công tác thỏa thuận đấu nối các hạng mục chưa được các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt nam chấp thuận.
Ngoài ra, nhà đầu tư đã tổ chức lập hồ sơ và có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị cập nhật, bổ sung quy hoạch bến LNG vào Khu bến Cẩm Phả thuộc Quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 31/3/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 3153/BGTVT-KHĐT, chấp thuận chủ trương và giao Cục Hàng Hải Việt Nam cập nhật và bổ sung thêm cảng chuyên dùng LNG cho tàu đến 100.000 tấn phục vụ dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh vào Quy hoạch chi tiết cảng biển phía Bắc giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ninh; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hảng hải Việt Nam hướng dẫn, giám sát Nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động chuyên ngành hàng hải.

Các lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư dự án bấm nút khởi động Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh.
Về điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Công ty cổ phần Điện khí LNG Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy điện khí LNG tại phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả để thực hiện một số nội dung như: Bổ sung tọa độ đường triều kiệt (đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm) để phân định ranh giới đất liền và mặt biển;) điều chỉnh thông số kỹ thuật của bến LNG của dự án để tiếp nhận và khai thác tàu LNG có tải trọng đến 100.000 DWT; Bổ sung vùng nước trước bến, vùng quay trở tàu cho bến LNG (có một phần nằm trên địa phận hành chính huyện Vân Đồn); điều chỉnh tọa độ của các công trình nằm trên mặt biển (bến cập tầu, tuyến ống công nghệ, tuyến kênh nước làm mát, kênh thoát nước sinh hoạt); điều chỉnh cấu hình kho LNG từ 2x100.000 m3 thành 1x250.000m3 để phù hợp với cỡ tầu tiếp nhận và mức độ dự trữ, tiêu thụ LNG của Nhà máy điện.
Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Xây dựng hướng dẫn UBND thành phố Cẩm Phả tổ chức thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành (trong đó có vùng quay trở tàu thuộc địa phần huyện Vân Đồn).
Tiến độ tổng thể dự án được giữ nguyên
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Hiện tỉnh Quảng Ninh đã xong bước lựa chọn nhà đầu tư (Tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni). Tuy vậy, quá trình triển khai dự án còn một số vướng mắc liên quan thoả thuận phòng cháy chữa cháy, đấu nối và bán điện... Với những điều kiện khác về luồng cảng, đất đai, tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng. Nếu quý IV/2023 hoàn thành xong báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án điện khí LNG Quảng Ninh có thể triển khai sớm.
Hiện nhà đầu tư dự án đã tiến hành rà soát, lập bảng độ chi tiết các công việc của dự án gửi Sở Công Thương tổng hợp, theo đó tiến độ tổng thể dự án được giữ nguyên, cụ thể tổ máy 1 hoàn thành tháng 4/2027, tổ máy 2 hoàn thành tháng 6/2027 tuy nhiên một số mốc thời gian được điều chỉnh cho phù hợp tính khả thi và kết quả thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh: "Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Sở Công Thương đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Nhà đầu tư khẩn trương, bám sát các Bộ ngành, Trung ương để hoàn thiện pháp lý liên quan đến dự án làm cơ sở phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Như thỏa thuận đấu nối dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; báo cáo đấu nối SCADA và thông tin liên lạc; báo cáo đo đếm điện năng; phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; văn bản chấp thuận vị trí, thông số kỹ thuật chi tiết bến cảng chuyên dùng LNG thuộc dự án; phương án phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án... để đảm bảo đưa vào vận hành đồng bộ.
Báo Công Thương

Cùng chuyên mục

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 – 'Điểm sáng' trong xây dựng công nghiệp năng lượng tự chủ quốc gia

10/11/2024

Từ thành công của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định vai trò quan trọng của Nhà máy trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302