Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 06/11/2024 | 12:49 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Cần cơ chế đặc biệt trong chiến lược phát triển điện khí, điện gió

26/12/2023
Cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, ngày 25/12 tại Hà Nội, có sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội trong lĩnh vực năng lượng.
Thời gian gấp gáp, rủi ro cao
Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương soạn thảo đặt ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hydrogen với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, dựa trên năng lượng tái tạo.
Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại COP 26.
Về phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi, theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.
Tại cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chủ trì ngày 25/12 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng thời gian từ 7-8 năm, dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng từ 6-8 năm để thực hiện kể từ thời điểm khảo sát.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp lấy ý kiến Dự thảo Chiến lược sản xuất hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.
Ông Phạm Văn Phong - Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng, hiện Việt Nam chưa có chính sách về tài chính, cơ chế bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện. Những vướng mắc này đã làm nguy cơ chậm tiến độ của các dự án điện khí.
Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chia sẻ, do thiếu các cơ chế chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro rất cao cho nhà đầu tư.
Phải có cơ chế đặc biệt
Tiến sĩ Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ở thời điểm cấp bách hiện nay, Bộ Công Thương cần tập trung ngay một số vấn đề có thể báo cáo Quốc hội để có cơ chế thực hiện ngay, song song với việc hoàn thiện các dự thảo luật. Cơ chế này có thể áp dụng, tổng kết thực tiễn và có thể chế hóa thành luật sau này.
Bộ trưởng có thể nghiên cứu thành lập nhóm nghiên cứu rà soát chính sách liên ngành gồm có Bộ Công Thương và chuyên gia của các bộ có liên quan nhằm đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế là không xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đơn lẻ.
Cũng cho rằng tình hình khá khẩn trương, cấp bách và cần làm sớm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo với Chính phủ, trong đó liệt kê thực trạng vấn đề khẩn cấp, để Chính phủ báo cáo ra Bộ Chính trị về tình hình phải giải quyết khẩn trương những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, sử dụng đất, các quy định pháp luật…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh góp ý tại buổi làm việc.
Cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, công nghệ, vấn đề địa chính trị, vấn đề khi tham gia cuộc chơi toàn cầu hiện nay là cách hành xử. Phải vừa làm, vừa chạy; chạy trong thu hút vốn, thu hút đầu tư, chạy theo cơ chế chính sách và kể cả cơ chế thực thi.
“Tôi ủng hộ theo hướng phải có những cơ chế đặc biệt, nên có những thông điệp mạnh mẽ về sự quan trọng của năng lượng.
Cần có Ban chỉ đạo năng lượng để thực thi nhất quán và một nhóm tư vấn về chiến lược về cơ chế chính sách”, ông Thành đề xuất.
Cùng góc nhìn, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió rất thiếu; thiếu từ tiêu chuẩn, định mức. Vậy sẽ lấy tiêu chuẩn nào để phù hợp với Việt Nam?
Cơ chế mua bán điện cũng cần phải làm rõ hơn để nhà đầu tư yên tâm khi bỏ ra hàng tỷ USD xây dựng nhà máy điện khí, điện gió.
Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương với tư cách là đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có 1 Nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng, trong đấy có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG.
Kết luận buổi họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền cao hơn để có cơ chế chính sách giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi và sản xuất năng lượng hydrogen trong khi các luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa sửa đổi được.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302