Theo ông Ngô Việt Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện A Vương (Thủy điện A Vương), sau thời gian khai thác, sử dụng các giải pháp số đặc biệt là hệ thống phần mềm Hệ thống Quản trị thông minh XHQ của Siemens, đã đáp ứng được mục tiêu của doanh nghiệp khi xây dựng dự án, gồm: chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý vận hành Nhà máy, nâng cao hiệu quả nhiều mặt hoạt động của Công ty.
Thực tế, Thủy điện A Vương đặt mục tiêu xây dựng hệ thống dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm tự động hóa sản xuất DCS, bảo trì thiết bị PMISS, giám sát thủy văn và hệ thống ERP. Việc nghiên cứu và ứng dụng giải pháp số hóa tích hợp phần mềm XHQ của Siemens đã giúp Thủy điện A Vương quản lý kỹ thuật số với độ chính xác và hiệu quả cao.
Phần mềm tạo cơ sở tập trung kết nối nhà máy của Thủy điện A Vương tại Quảng Nam với văn phòng chính của nhà máy. Hệ thống có khả năng kiểm soát và quản lý sản xuất mọi nơi từ xa bằng trình duyệt web và thiết bị di động. Hệ thống cung cấp các báo cáo cảnh báo và phân tích dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực cho ban lãnh đạo, cấp quản lý điều hành Công ty.
Mô hình về một trong những giải pháp số tại Thủy điện A Vương. Cụ thể, thông qua các công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát, đánh giá trên Dashboard mobile, từ Lãnh đạo đến nhân viên vận hành Nhà máy Thủy điện A Vương đều nắm bắt được thông tin cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác theo thời gian thực (realtime); từ đó đưa ra quyết định đúng đắn, hiệu quả hơn trong việc tối ưu vận hành. Đồng thời thiết lập nhiều công cụ, tiện ích (ứng dụng công nghệ thông tin) vào việc truy cập, phân tích, trích xuất dữ liệu theo định dạng bảng biểu, báo cáo theo yêu cầu, giảm thiểu sai sót, công sức cho nhân viên vận hành, sửa chữa.
Ví dụ như ở mục Sản xuất, sẽ hiển thị các thông số giúp Lãnh đạo Công ty nắm bắt được thông tin nhanh chóng về mực nước hiện tại của Hồ chứa A Vương (mực nước thượng lưu, hạ lưu Nhà máy), các thông số lưu lượng Q về, Q xả tràn, Q chạy máy. Đồng thời, nắm được thông tin Tổ máy nào đang vận hành, với công suất thực tế bao nhiêu tại thời điểm truy xuất. Từ đó, có thể đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành nhanh chóng, chính xác, đặc biệt cần thiết trong mùa mưa lũ. Chức năng Báo cáo trong Mục Sản xuất cũng góp phần giảm thiểu đáng kể thời gian thực hiện báo cáo và tránh được nhiều sai sót trong việc nhập liệu cho các Ca vận hành so với việc thực hiện thủ công như trước đây.
Áp dụng hiệu quả giải pháp số giúp Thủy điện A Vương đồng thời giám sát tình trạng vận hành các hệ thống/thiết bị quan trọng từ xa...Ảnh minh họa Việc áp dụng Hệ thống cũng giúp Thủy điện A Vương đồng thời giám sát tình trạng vận hành các hệ thống/thiết bị quan trọng từ xa, tình trạng các tổ máy phát điện. Nắm bắt thông tin nhanh chóng, phần mềm giúp thiết lập các mức cảnh báo sớm theo báo động mức thấp và báo động mức cao, gửi email đến người dùng kịp thời, đưa ra các khuyến cáo cần thiết giúp cho người vận hành và sửa chữa theo dõi tức thời trạng thái của thiết bị với mức tín hiệu cảnh báo liên quan;
Đồng thời có quyết định xử lý kịp thời, nhằm ngăn ngừa sự cố tiềm ẩn, giúp tổ máy vận hành an toàn, tin cậy, cũng như phối hợp các công tác quản lý kỹ thuật khác… Chức năng Giám sát TU trạm phân phối giúp theo dõi thông tin chi tiết, sát sao, đưa ra cảnh báo sớm, kịp thời phát hiện các bất thường (cảnh báo) để tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Thủy điện A Vương cho biết, Hệ thống còn giúp theo dõi, tổng hợp được tình hình tài chính của Công ty, các số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo từng mốc thời gian tháng/quý/năm; giám sát hiệu suất/ suất tiêu hao nước, đánh giá hiệu suất các tổ máy, tuabin, phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường ảnh hưởng hiệu suất tổ máy cũng như tuabin như nhiệt độ bất thường, độ rung đảo, áp lực nước,… giúp đưa ra các thông báo kịp thời để xử lý, khắc phục.
Ông Trần Thế Hiển - Giám đốc Ban Công nghiệp số Siemens Việt Nam cho biết, việc sử dụng giải pháp kỹ thuật số baop gồm Siemens Xcelerator cung cấp giúp nhà cung cấp năng lượng giảm được lượng khí thải các bon, tăng hiệu quả và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Việc này đồng nghĩa giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải theo lộ trình cam kết trung hòa các bon của Chính phủ.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Hệ thống quản trị thông minh XHQ, theo Thủy điện A Vương các nhà máy điện cần thuê Tư vấn khảo sát, lập Báo cáo khả thi, nghiên cứu khả thi… để có phương án triển khai cụ thể cho từng nhà máy rõ ràng, xác thực hơn. Bởi thực tế, các Nhà máy điện khác nhau về hãng thiết kế, chủng loại Hệ thống DCS, thì phương thức kết nối, thu thập, truyền dẫn dữ liệu, cũng như phương án đảm bảo bảo mật an ninh thông tin mạng OT; các tín hiệu đầu vào, đầu ra của Thủy điện và Nhiệt điện,… cũng khác nhau.
Theo Tạp chí Công Thương