Bộ Công Thương vừa đưa ra phương án mới về việc sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: TTXVN Để hiểu rõ hơn tác động của dự thảo quyết định mới thay thế Quyết định số 24, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Thưa ông, trong quý III/2023, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh gần nhất thay cho quyết định cũ là 6 tháng/lần. Xin ông cho biết ý kiến về nội dung này?
Trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất nhiệt điện trên thị trường thế giới biến động nhanh và thay đổi thất thường sẽ tác động rất mạnh đến giá thành sản xuất điện trong nước. Chẳng hạn, giá than dùng cho sản xuất điện năm 2022 tăng 264% và giá xăng dầu tăng 143% so với năm 2021.
Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023 giá than giảm 19,79%; xăng dầu giảm 12,05%; khí hóa lỏng giảm 17,31% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện than, khí và dầu chiếm 43,5% tổng sản lượng điện của nền kinh tế, điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch chiếm tỷ trọng lớn, nên biến động giá nguyên nhiên liệu đầu vào dùng cho sản xuất điện sẽ quyết định giá bán lẻ điện bình quân cho sản xuất và tiêu dùng.
Cuối tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng 9,27% so với năm 2021. Do không điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26.400 tỷ đồng. Nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, khi đó ngành điện chịu khoản lỗ rất lớn, ảnh hưởng đến bảo toàn vốn Nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đưa đến hiện tượng El Nino và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao.
Vì vậy, việc Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân (giá bán lẻ điện) từ 6 tháng xuống 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất là cần thiết, phù hợp với thực tế giá nguyên liệu đầu vào của nhiệt điện liên tục biến động.
Theo tôi, giá bán lẻ điện được điều chỉnh linh hoạt, xóa bỏ bất cập giá thành sản xuất cao hơn giá bán điện, giúp doanh nghiệp và hộ gia đình điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện. Bên cạnh đó, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ truyền đi tín hiệu giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo cơ chế thị trường có lên, có xuống để doanh nghiệp và người dân không tâm tư, giảm thiểu lạm phát kỳ vọng khi giá điện biến động.
Thưa ông, dự thảo đề xuất biên độ và thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện có phù hợp, có tính khả thi đối với thực trạng hiện nay của nền kinh tế?
Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ sẽ trao quyền cho EVN điều chỉnh giá bán điện đối với biên độ giảm giá bán lẻ điện từ 1% trở lên, tăng giá bán lẻ điện từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá; Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện với biên độ từ 5% đến dưới 10%. Trong cả hai trường hợp này, sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trường hợp giá bán lẻ điện cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô sẽ do Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Việc phân cấp, phân quyền điều chỉnh giá điện theo các biên độ điều chỉnh khác nhau cho EVN, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ; gắn trách nhiệm của Bộ Tài Chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 5 điều 8 của Luật Giá.
Đồng thời, có tính đến mức độ tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo các biên độ khác nhau đến ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Phân quyền như vậy sẽ tạo sự chủ động cho ngành điện trong xây dựng, thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư. Vì vậy, dự thảo đề xuất biên độ và thẩm quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện hoàn toàn phù hợp và có tính khả thi đối với thực trạng hiện nay của nền kinh tế.
Thưa ông, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện và quy định điều chỉnh có tăng có giảm có ý nghĩa như thế nào đối với ngành điện và các thực thể sử dụng điện trong nền kinh tế?
Việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống còn 3 tháng và quy định điều chỉnh giá có tăng có giảm sẽ dần xóa bỏ tình trạng giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất, đảm bảo có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Cùng với đó, tạo nguồn tài chính để ngành điện mở rộng và tăng năng lực cung ứng điện cho nền kinh tế, đưa giá điện tiến tới giá thị trường, phản ánh đúng quy luật cung cầu sẽ là động lực để EVN, khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh điện. Điều này đặc biệt quan trọng và cần thiết trong xu thế tất yếu của chuyển đổi sang sản xuất năng lượng tái tạo.
Giá bán lẻ điện được điều chỉnh nhanh hơn, linh hoạt hơn là bước đầu thực hiện Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Khi thị trường điện nước ta phát triển theo mô hình thị trường điện cạnh tranh, ngành điện sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của đất nước, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Thưa ông, phải chăng với điều chỉnh giá điện nhanh hơn, linh hoạt hơn là sự khởi đầu để hướng tới thị trường điện minh bạch, cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững?
Điện là mặt hàng chiến lược quan trọng, khi nguồn cung thiếu và giá điện không hợp lý ảnh hưởng rất lớn tới ổn định vĩ mô, cản trở quá trình phát triển đất nước.
Trong những năm qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra nhanh, tuy vậy chính sách về giá điện chậm thay đổi, không khuyến khích doanh nghiệp thay đổi công nghệ giảm chi phí sử dụng và tiết kiệm điện. Chính sách giá điện không đồng hành với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có ngành là kinh tế mũi nhọn phải chịu giá điện cao để bù đắp cho các ngành khác như thép, xi măng. Vì vậy, cần xem xét chính sách giá điện cho các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư.
Khi hoạt động sản xuất kinh doanh điện hướng tới thị trường điện minh bạch, cạnh tranh, mọi rào cản sẽ được xóa bỏ để đảm bảo giá điện minh bạch do thị trường quyết định, các doanh nghiệp ngành điện bảo đảm thu hồi đủ chi phí, có lợi nhuận và tự chủ tài chính; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển điện. Thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Vừa qua, tình trạng thiếu điện do các đợt nắng nóng và ngành điện không chủ động, chuẩn bị cung ứng đủ điện đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm tăng trưởng. Hạn chế đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện trong thời gian qua là minh chứng về việc chúng ta đang tự hủy hoại tiềm năng tăng trưởng của đất nước.
Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Thực hiện thị trường điện minh bạch, cạnh tranh sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho sản xuất điện, đảm bảo cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Xin cám ơn ông!
Thúy Hiền/TTXVN