Trong Quy hoạch điện VIII, tỉnh Quảng Trị có nhiều dự án năng lượng được thông qua. Điều này tạo tiền đề để sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung mà địa phương này hướng tới. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tín hiệu tích cực của tỉnh Quảng Trị sau khi Thủ tướng Chính phủ ký thông qua Quy hoạch điện VIII?
Ông Võ Văn Hưng: Như chúng ta đã biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Phương án phát triển điện lực quốc gia được xác định tại Quyết định nêu trên đã xác định đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối ...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất; phát triển các nhà máy thủy điện tích năng để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích cực các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn; định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac đối với các nhà máy nhiệt điện than; ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho các nhà máy điện khí. Đây là những tín hiệu tích cực của tỉnh khi Quảng Trị có đầy đủ tiềm năng riêng có để phát triển các dự án năng lượng về gió, mặt trời, thủy điện tích năng và khí (từ mỏ Báo Vàng và trong tương lai là mỏ Kèn Bầu).
Một tín hiệu tích cực nữa là, các dự án nguồn điện than và khí vừa và lớn của tỉnh Quảng Trị trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa đưa vào vận hành đã được điều chỉnh trong Quy hoạch điện VIII (Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW, Dự án TBKHH Quảng Trị - 340MW, Dự án Nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320MW). Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII cũng đã đưa vào danh mục đầu tư các dự án đường dây và trạm biến áp 500kV tại Quảng Trị (900MVA) và Lao Bảo (1.800MVA), đây là các dự án quan trọng để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Hưng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị PV: Bên cạnh thuận lợi còn có không ít khó khăn, vậy tỉnh Quảng Trị đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại ra sao, thưa ông?
Ông Võ Văn Hưng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500MW điện gió, gần 100MW thủy điện đã có trong quy hoạch nhưng chưa vận hành thương mại, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các ngành và địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan, đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành đưa vào vận hành các dự án này trong giai đoạn đến năm 2025.
Đối với các dự án nguồn nhiệt điện, tỉnh Quảng Trị cùng với nhà đầu tư tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương sớm thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 - 1.500MW, làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư để triển khai các bước tiếp theo; hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai đầu tư Dự án TBKHH Quảng Trị - 340MW đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị 1 - 1.320MW, nhà đầu tư đã có thông tin chính thức dừng phát triển dự án và UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chấm dứt dự án, đồng thời chuyển đổi dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trị sang Nhà máy điện khí.
Dự án điện mặt trời tại Quảng Trị PV: Doanh nghiệp, nhà đầu tư có vai trò rất lớn trong việc phát triển năng lượng, ông có thể cho biết, Quảng Trị có những cơ chế, chính sách của địa phương như thế nào để hỗ trợ nhà đầu tư?
Ông Võ Văn Hưng: Để thực hiện Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành liên quan hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó: nghiên cứu, xây dựng cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư kèm giá điện trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực và hoàn thiện mô hình thị trường điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho địa phương lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Quảng Trị sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung
Dự án điện gió tại Hướng Hoá- Quảng Trị
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Trị sẽ tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện theo quy định. Bố trí quỹ đất đảm bảo cho phát triển các dự án điện trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư và các thủ tục đầu tư khác cho các dự án nguồn điện, lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đảm bảo cho các nhà đầu tư được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 105/2021/NQ-HĐND ngày 30/8/2021 của HĐND tỉnh Quảng Trị.
PV: Quảng Trị hướng đến trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, vậy tầm nhìn đó là gì, cần phải chuẩn bị như thế nào để những quy hoạch điện tiếp theo không bị vướng và phát triển bền vững?
Ông Võ Văn Hưng: Để trở thành "Trung tâm năng lượng miền Trung", trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 1.500 - 3.000MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 6.000 - 10.000MW giai đoạn đến năm 2030 nhằm đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Chương trình hành động số 15-CT/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 05 tháng 5 năm 2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/4/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu tại Hội thảo Năng lượng Quảng Trị do Báo Công Thương tổ chức năm 2022 Với mục tiêu nêu trên và trên cơ sở tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh; tỉnh Quảng Trị sẽ chủ động rà soát, đề xuất Bộ Công Thương đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII các dự án nguồn điện, lưới điện trên địa bàn tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua (bởi theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch dựa trên tiêu chí, luận chứng quy định tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch). Đồng thời, tỉnh sẽ chuẩn bị đầy đủ quỹ đất để triển khai đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện có trong quy hoạch được duyệt; chuẩn bị các thủ tục liên quan để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở quy định hiện hành; chủ động tổ chức rà soát các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan khác ở các khu vực dự kiến thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện trên địa bàn tỉnh để đảm bảo sự phù hợp giữa các quy hoạch, tránh chồng chéo, vướng mắc trong thực hiện; tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… khi triển khai dự án.
Xin cảm ơn ông!