Các mẫu ô tô, xe máy thuần điện và Hybrid tại Việt Nam phải được dán nhãn năng lượng thể hiện mức độ tiêu thụ điện năng và nhiên liệu (nếu có) tương tự đối với những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2015. Vào ngày 30/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với ô tô con, mô tô và xe gắn máy sử dụng điện và Hybrid điện.
Thông tư số 48/2022 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, tất cả cơ sở sản xuất lắp ráp (SXLR), tổ chức/cá nhân nhập khẩu (NK) xe đều phải thực hiện công khai và dán nhãn năng lượng cho các mẫu xe điện và Hybrid.
Trong đó, Thông tư quy định cụ thể về thời gian áp dụng, đối tượng, phương pháp thử nghiệm, quy trình công khai... cho việc dán nhãn năng lượng đối với các mẫu xe xanh đang ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số đối tượng không áp dụng theo Thông tư này, trong đó đáng chú ý là các xe chỉ được dẫn động bằng động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG/biomethane và H2NG), nhiên liệu hydro.
Theo Điều 8 của Thông tư, các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phải công khai về mức tiêu thụ năng lượng của xe trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng, bản công khai mức tiêu thụ năng lượng phải được gửi tới cơ quản quản lý chất lượng để công khai trên trang web thông tin của cơ quan này, ở đây là Cục Đăng kiểm Việt Nam, và đăng tải lên trang web của chính cơ sở đó.
Các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phải công khai về mức tiêu thụ năng lượng của xe trước khi thực hiện dán nhãn năng lượng. (Ảnh minh họa) Theo Điều 9 của Thông tư 48/2022, các cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phải tự in nhãn năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương. Vị trí dán nhãn năng lượng của ô tô con ở bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau; trong khi đối với các xe gắn máy, mô tô cần dán ở vị trí dễ quan sát.
Thông tin trên nhãn dán ghi mức tiêu thụ năng lượng của của xe; đối với xe thuần điện sẽ chỉ ghi mức tiêu thụ điện năng với đơn vị đo Wh/km trong khi xe Hybrid sẽ cần có cả 2 mức tiêu thụ nhiên liệu (lít/100km) và điện năng (Wh/km). Mức tiêu thụ năng lượng được kiểm tra, giám sát thực tế được phép sai lệch không vượt quá 4% so với mức công bố.
Theo Điều 3 của Thông tư, cơ quan quản lý chấp nhận kết quả thử nghiệm từ cơ sở thử nghiệm, phòng thử nghiệm là tổ chức thử nghiệm chuyên ngành đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
Trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có thông tin về mức tiêu thụ điện năng của 2 mẫu xe VinFast. Ảnh minh họa Hiện tại, trang web của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có thông tin về mức tiêu thụ điện năng của 2 mẫu xe VinFast gồm: VF e34 và VF 8. Trong đó, VF 8 có cả 2 phiên bản Eco và Plus với mức công bố đạt 204 Wh/km và 219 Wh/km, cùng với đó là VF e34 với mức 142 Wh/km.
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất khác cũng đã thực hiện việc dán nhãn năng lượng trên các mẫu xe của mình nhưng thông tin chưa được công bố trên trang web của Cục Đăng kiểm như: Mercedes-benz EQS, Wuling Hongguang MiniEV...
Thị trường Việt Nam đang có nhiều mẫu xe xanh đang được bán chính thức, điển hình như các mẫu xe thuần điện gồm: Các xe VinFast, Mercedes-Benz EQS, Audi e-tron GT và SUV, Porsche Taycan, Wuling Hongguang MiniEV...trong khi xe Hybrid gồm các mẫu: Hyundai Santa Fe Hybrid, KIA Sorento Hybrid (HEV và PHEV), phiên bản Hybrid của Toyota Corolla Cross, Corolla Altis và Camry, các mẫu xe Volvo...
Trong khi đó, thị trường xe hai bánh vốn đã có hàng chục nhà sản xuất xe máy, xe đạp điện trong nhiều năm trở lại đây, với những đại diện nổi bật nhất là VinFast, Yadea, Pega...
Trước đó, vào năm 2015, các mẫu xe ô tô con và xe máy cũng đã đồng loạt thực hiện việc dán nhãn năng lượng thể hiện độ tiêu thụ nhiên liệu, trong khi các mẫu xe điện, Hybrid đến nay mới được áp dụng nhằm đáp ứng cho sự phát triển nhanh chóng của các mẫu xe xanh tại thị trường Việt Nam.
Theo Báo Công Thương