Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Chủ nhật, 08/12/2024 | 15:09 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin tức

Tiết kiệm điện: Thay đổi nhận thức, hành động thực chất

21/08/2023
Trước những diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng, mỗi cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh, hành động ngay các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện.
Văn Phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng ngày 18/8 đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo - đơn vị được Bộ Công Thương giao chủ trì Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) tổ chức Hội nghị “Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng”. Hội nghị tiếp nối các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) năm 2023.
Lường trước các tình huống cực đoan
Khẳng định biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó dự báo, khó lường trước và nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ phục hồi trở lại, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, để chuẩn bị cho các diễn biến bất thường có thể xảy ra tại các thời điểm nắng nóng trong các năm tiếp theo, mỗi cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương
Trên thực tế, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.
Theo ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, xếp chồng với tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.
Ông Nguyên cho rằng, trong bối cảnh thiếu nguồn cung, vai trò của khách hàng sử dụng điện (phía cầu) hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, từ 17/5 – 16/6, cả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh. “Chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đã góp tích cực trong đảm bảo cân bằng cung cầu điện. Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng chính là lời giải cho những bài học đã xảy cũng như lường trước, ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra”, ông Nguyên nêu.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN trình bày tham luận về tình hình cung cấp điện trong năm 2023 và các năm tiếp theo
Thay đổi nhận thức, thói quen, hành động
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, nhận thức, thói quen và hành động của 1 cá nhân sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hành tiết kiệm điện của cả tổ chức/đơn vị. Chính vì vậy, mục tiêu xuyên suốt trong đào tạo, tuyên truyền chính là thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân để gia tăng hiệu quả hành động. Các giải pháp đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các nhóm khách hàng trước hết cần hiểu thói quen tiêu thụ, đặc tính tiêu thụ, mức độ ảnh hưởng,… sau đó triển khai một cách “đơn giản - dễ hiểu - dễ nhớ - trực quan - thực tiễn - hiệu quả” tương ứng với từng đối tượng.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ban hành và triển khai kế hoạch tiết kiệm điện tại thành phố, đồng thời theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên để đảm bảo đạt mục tiêu đặt ra hàng năm. Tuy nhiên, ông Thắng mong muốn sự đóng góp, hỗ trợ của Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam để phối hợp, thúc đẩy thực chất hơn việc đào tạo, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện nhằm bám sát các mục tiêu tiết kiệm điện hằng năm và giai đoạn của thành phố. Đặc biệt cần sự hợp tác, phối hợp hài hòa giữa các công ty điện lực với các DN, khách hàng tại địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực chất kế hoạch tiết kiệm điện.
Ngày 8/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg/2023 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo; trong đó đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể. Hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc; các chỉ tiêu đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện như hành chính sự nghiệp 5%, sản xuất công nghiệp 2%...; thay thế 100% đèn LED trong chiếu sáng công cộng (tới năm 2030), 50% tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu tới năm 2030.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm phát biểu tại hội nghị
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trong Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài sự chỉ đạo, giám sát của các Bộ, ngành rất cần sự vào cuộc tích cực của các Sở, ngành tỉnh/thành phố, Sở Công Thương, đặc biệt là sự hưởng ứng và tham gia tích cực của tất cả các khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn quốc.
"EVN xác định tiếp tục là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong xã hội; đóng vai trò là tập đoàn tiên phong, chủ động trong thực hiện các chính sách, quy định của nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiềm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng. Tập đoàn cũng đã triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 20 nhằm đưa tiết kiệm trở thành thói quen hàng ngày và mọi lúc, mọi nơi của mọi người nhân, doanh nghiệp và các tổ chức trên địa bàn cả nước”, ông Lâm khẳng định.
Đại diện EVN cũng cam kết sẽ tiếp tục là một trong những thành viên tích cực, chủ động để xây dựng, tổ chức thực hiện thực chất và hiệu quả hơn nữa các chương trình, kế hoạch tiết kiệm điện hằng năm, đặc biệt là thời điểm căng thẳng về cung cấp điện có thể xảy ra trong những năm tới.
Theo VOV 

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302