Ngày 18-8, tập đoàn năng lượng nguyên tử thuộc sở hữu nhà nước Nga Rosatom đã ký một thỏa thuận với Hungary để bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân Paks-2.
Chia sẻ với hãng tin RIA Novosti, Chủ tịch Rosatom - ông Alexander Merten nói rằng việc ký kết giúp đưa thỏa thuận vào giai đoạn xây dựng trực tiếp và các bên có thể bắt đầu sản xuất thiết bị điện chính cho các lò phản ứng mới.
Ông Gergely Gulyas - Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary - cho biết dự án Paks-2 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Hungary và các nước Liên minh châu Âu (EU) lân cận, đồng thời cho biết thêm rằng việc xây dựng nên bắt đầu vào mùa xuân năm 2024.
Nhà máy điện hạt nhân Paks ở Hungary. Ảnh: NEWS UNROLLED Nằm cách thủ đô Budapest khoảng 100 km, Paks là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary, vận hành bốn lò phản ứng VVR-440 theo thiết kế của Liên Xô để sản xuất khoảng một nửa lượng điện của đất nước.
Việc bổ sung thêm hai lò phản ứng VVR-1200 sẽ tăng gần gấp đôi công suất của nhà máy, điều mà chính phủ của Thủ tướng Hungary - ông Viktor Orban từ lâu đã tìm cách thực hiện để củng cố tình trạng độc lập về năng lượng của Hungary.
Budapest lần đầu tiên thỏa thuận với Moscow để xây dựng hai lò phản ứng mới vào cuối năm 2014, nhưng phải mất nhiều năm để có được giấy phép cần thiết từ EU.
Theo đài RT, dự án này là một trong những lý do khiến Hungary phủ quyết mọi khả năng EU áp đặt lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian qua.
Tháng trước, Rosatom lưu ý rằng nhiều công ty phương Tây cũng tham gia vào dự án.
“Tập đoàn General Electric (Mỹ) sẽ cung cấp máy phát điện, Framatome của Pháp và Siemens của Đức sẽ cung cấp hệ thống điều khiển quy trình tự động (APCS). Các nhà thầu Hungary, Đức cùng các nhà thầu khác sẽ là bên thi công dự án” - theo Rosatom.
Theo Pháp luật TP.HCM