Hằng năm, vào mùa khô, khi thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, khả năng cung ứng điện sẽ lại gặp khó khăn. Thiếu hụt điện trong mùa khô tại khu vực miền Bắc vốn đã diễn ra vào hè năm 2022, với mức thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh rơi vào mức 1.800MW. Trong tháng 5 và tháng 6-2023, tình trạng này trầm trọng hơn (thiếu hụt nguồn cung trong tháng 5 để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh lên đến 5.400MW) khiến miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn. Tình hình được cải thiện và giải quyết trong tháng 7 do nguồn nước về các hồ thủy điện tăng lên.
Miền Bắc gần như không có nguồn cung điện mới
Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng thiếu điện ở miền Bắc được các chuyên gia cũng như các tổ chức quốc tế chỉ ra là do nhiều năm trở lại đây, khu vực này gần như không có nguồn điện mới được bổ sung. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, miền Bắc đang gặp vấn đề về bất cân đối nguồn cung điện. Khu vực này có nhu cầu điện tăng nhanh hơn cả nước, có tính mùa vụ, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 7.
Thời gian qua, nguồn điện mới cho phía Bắc được triển khai chậm; hệ thống điện lệ thuộc chủ yếu vào thủy điện, điện than; việc đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện cũng chậm khiến miền Bắc bị hạn chế trong việc tiếp cận nguồn dư công suất lớn ở miền Nam (khoảng 20.000MW). Dự báo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong năm 2023, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc là hơn 90 tỷ kWh, tăng khoảng 4 tỷ kWh so với năm 2022. Để đáp ứng sự tăng trưởng này, hệ thống điện miền Bắc cần phải bổ sung 4.200MW nguồn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong giai đoạn trên, khu vực miền Bắc chỉ đưa vào thêm 1.427MW nguồn điện mới.
Nhân viên Công ty Điện lực Vĩnh Phúc kiểm tra, bảo trì hệ thống lưới điện. Ảnh: PHƯƠNG ANHTheo quan sát của chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây hai năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Những tính toán đều nhắc tới rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc các năm 2023-2024. “Lý do thiếu điện vì gần như miền Bắc không có nguồn cung điện mới. Ngay cả Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Thủy điện cũng đã hết tiềm năng. Điện tái tạo tại miền Bắc xây dựng khó khăn hơn miền Trung và miền Nam. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian... Do đó, nguy cơ thiếu điện còn cao”, ông Hà Đăng Sơn nói.
Sử dụng năng lượng còn lãng phí
Thiếu điện nhưng nhìn vào số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì thấy, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả. Mặc dù hệ số đàn hồi điện (tăng trưởng GDP/tăng trưởng điện) đã giảm từ 2 lần (năm 2010) xuống còn 1,49 lần (năm 2021), điều đó khẳng định sử dụng điện có xu thế tiết kiệm và hiệu quả hơn qua các năm. Tuy nhiên, so với thế giới và khu vực thì vẫn còn cao (bình quân hệ số đàn hồi của các nước sử dụng năng lượng hiệu quả là dưới 1 lần).
Việc sử dụng năng lượng lãng phí, kém hiệu quả có nhiều nguyên nhân như: Vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, các thiết bị sản xuất cũ và chậm đổi mới, tỷ lệ hao hụt lớn khi vận hành. Mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức. Một số khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan đèn được bật với độ sáng cao hơn cần thiết, ngay cả vào nửa đêm hoặc gần sáng... Nhiều phòng làm việc để các thiết bị máy tính, máy in, máy photocopy, điều hòa không khí, quạt và các thiết bị điện khác ở chế độ hoạt động khi không có người sử dụng...
Nhân viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc kiểm tra hệ thống lưới điện. Ảnh: PHƯƠNG ANH Đối với người dân, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc tuyên truyền và giáo dục về tiết kiệm điện, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và lợi ích của việc tiết kiệm điện. Điều này làm cho việc thực hành tiết kiệm điện gặp khó khăn và không đạt được hiệu quả như mong đợi. “Nhiều người nghĩ việc sử dụng điện như thế nào là quyền của khách hàng, bởi họ sẵn sàng chi trả tiền cho công ty điện. Thế nhưng đợt cắt điện trong tháng 5, tháng 6 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho hậu quả của việc thiếu điện. Thiếu điện khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, còn doanh nghiệp rơi vào tình trạng gián đoạn sản xuất, trễ hẹn đơn hàng”, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Đại Tân Hưng (tỉnh Hải Dương), bày tỏ.
Hệ quả của việc sử dụng điện chưa hiệu quả là gây ra lãng phí lớn. “Việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, làm tiêu tốn tài nguyên, phát sinh thêm chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, đời sống và sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để có thể sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn? Chúng tôi sẽ trình bày ở các bài sau.
(Còn nữa)