Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn Thế giới vẫn phụ thuộc vào than
Báo Nikkei Asia đánh giá dù có những lo ngại ngày càng tăng về biến đổi khí hậu, thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than. Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ than để sản xuất điện lớn nhất thế giới, hiện có công suất nhiệt điện lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 5 năm qua. Ở châu Âu, nhiều quốc gia đã đảo ngược chính sách loại bỏ dần nguồn năng lượng từ than trước tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên.
Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng ròng về sản lượng điện từ than do số nhà máy mới nhiều hơn số nhà máy bị đóng cửa hàng năm. Nhiều nhà máy mới đã mọc lên ở châu Á, trong đó có Nhật Bản, trong khi các cơ sở mới đã được mở ở Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ…
Cũng theo Global Energy Monitor, các nhà máy mới có thể hiệu quả hơn nhưng lượng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy đốt than vẫn còn đáng kể. Thế giới có thể sẽ phải trả giá đắt nếu không thể ngừng sử dụng than.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu kêu gọi đầu tư vào châu Phi
Tổng thống Kenya William Ruto ngày 4/9 cho biết châu Phi có cơ hội “hướng dẫn toàn cầu” hành động vì khí hậu và cộng đồng quốc tế phải giúp giải phóng nguồn tài chính cho lục địa này khi ông chuẩn bị khai mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tính bước ngoặt ở Nairobi, thủ đô Kenya. Hội nghị nhằm mục đích tái định hình lục địa này thành một khu vực năng lượng tái tạo đang phát triển.
Ông Joseph Nganga, người được Ruto giao chủ trì hội nghị này, cho biết hội nghị sẽ chứng minh rằng "Châu Phi không chỉ là nạn nhân mà còn là một lục địa năng động với các giải pháp cho thế giới". Còn theo AFP, bản dự thảo của tuyên bố chung sẽ làm nổi bật tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn, lực lượng lao động trẻ và nguồn tài nguyên của châu Phi - bao gồm 40% trữ lượng coban, mangan và bạch kim toàn cầu rất quan trọng cho pin và pin nhiên liệu hydro.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi lần đầu tiên diễn ra từ ngày 4/9 đến ngày 6/9, trước khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 được tổ chức vào tháng 11 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nơi có thể sẽ bị chi phối bởi những xung đột về tương lai năng lượng của thế giới.
Ấn Độ gia tăng sử dụng than để ứng phó tình trạng thiếu điện
Reuters ngày 4/9 cho biết, khô hạn bất thường dẫn tới thiếu hụt sản lượng thủy điện đang buộc Ấn Độ bù đắp bằng cách gia tăng công suất các nhà máy nhiệt điện. Để đáp ứng nhu cầu, sản lượng điện của Ấn Độ tháng 8 đã gia tăng kỷ lục tới hơn 162,7 kWh. Trong đó, nhiệt điện than chiếm tới 66,7%. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất trong vòng 6 năm qua tại Ấn Độ.
Một chi tiết đáng chú ý là dù nhu cầu sản xuất gia tăng, các nhà máy nhiệt điện tại Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu than tới 24%, xuống chỉ còn 17,85 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm tài chính 2024 (bắt đầu từ tháng 3-2023), nhờ sản lượng trong nước cải thiện. Đây cũng chính là lý do giá than nhiệt toàn cầu giảm trong những tháng gần đây.
Cộng dồn 8 tháng đầu năm, tỷ lệ than sử dụng trong sản xuất điện của Ấn Độ đang ở mức 74,2%, cao hơn so với mức 72,9% hồi năm ngoái, và đang trên đà tăng năm thứ 3 liên tiếp. Cùng kỳ, tỷ trọng điện từ các nhà máy thủy điện giảm từ 10,9% xuống còn 9,2%.
Libya "sáng" trở lại sau nhiều năm mất điện
Dịch vụ điện được cải thiện trên toàn quốc, đặc biệt tại Tripoli, đã mang lại nguồn năng lượng mới cho thủ đô của Libya sau nhiều năm xung đột. Sự ổn định của mạng lưới điện là nền tảng của chiến dịch “Trở lại cuộc sống” do chính quyền thành phố phát động và đang dần khôi phục lại linh hồn của Tripoli.
Kể từ cuộc chính biến năm 2011, kéo theo một thập niên giao tranh không ngừng giữa các nhóm vũ trang đối địch, gây thêm thiệt hại đối với mạng lưới điện vốn đã đổ nát ở Libya, tình trạng thiếu điện kinh niên đã trở thành một phần cuộc sống hằng ngày của người Libya. Suốt 10 năm qua, để bảo vệ mạng lưới và ngăn chặn tình trạng quá tải, Tổng công ty Điện lực Libya (Gecol) đã phải cắt điện trên diện rộng vào những giai đoạn tiêu thụ cao điểm.
Tuy nhiên từ năm 2022, cùng với tình hình an ninh tương đối ổn định, nguồn cung cấp điện đã được cải thiện rõ rệt. Thủ tướng Abdelhamid Dbeibah, người đứng đầu chính phủ được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli bảo đảm rằng ông chủ mới của Gecol đã xem xét thấu đáo các dự án, bao gồm kế hoạch bảo trì cơ sở hạ tầng bị hư hỏng và kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn để hạn chế tham nhũng. Một số công ty nước ngoài thậm chí còn khôi phục lại các dự án mà họ đã đình chỉ ở Libya.
Theo Petrotimes