Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 15/10/2024 | 08:12 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Đẩy nhanh tiến độ chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn

24/09/2023
Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang gặp nhiều vướng mắc chưa thể triển khai. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết.
Thủ tướng đốc thúc tiến độ dự án
Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn đến các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn với tổng chi phí phát triển khoảng 11 tỉ USD (theo thời giá năm 2016, thực tế hiện nay dự án khoảng gần 20 tỷ USD). Dự án đường ống dẫn khí được xây dựng từ năm 2009, là dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, song quá trình triển khai các chuỗi dự án liên quan bị chậm trễ, kéo dài.
Sau khi hoàn thành, dòng khí từ các mỏ Lô B sẽ được vận chuyển qua đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn đến các đơn vị tiêu thụ hạ nguồn, bao gồm 4 nhà máy điện (Ô Môn 1, 2, 3, 4) tại TP Cần Thơ, với tổng nhu cầu khí cho tổ hợp khoảng 5 tỉ m³/năm.
Nhằm đẩy nhanh chuỗi dự án, Chính phủ quyết định giao cho PVN làm chủ đầu tư (trước đấy là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN). Hiện, PVN và EVN đang trong quá trình bàn giao hồ sơ dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hai đơn vị gặp nhiều vướng mắc.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải đốc thúc tiến độ thực hiện dự án này. Cụ thể, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, PVN và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai dự án khí lô B đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.
Đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc PVN khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đàm phán dứt điểm để có FID và triển khai dự án khí Lô B. Thủ tướng đề nghị thực hiện khẩn trương, không để chậm trễ, không kéo dài gây phát sinh khó khăn, phức tạp.
Được biết, để có được quyết định đầu tư cuối cùng, dự án đang còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, giữa PVN và EVN phải hoàn thành bàn giao hồ sơ dự án. Để thực hiện xong thủ tục này, cần thống nhất được giá trị các phần việc trước đây dự án đã thực hiện xong. Trước đây, dự án này từng có một doanh nghiệp nước ngoài làm một số phần việc, nay đã rút khỏi dự án. Do đó, song song với việc bàn giao hồ sơ chung của dự án, còn phải tính toán giá trị các phần việc đã thực hiện xong để chi trả hợp lý. Như vậy, PVN có thể sẽ phải thuê một tư vấn độc lập để đánh giá hiện trạng, chi phí lịch sử của dự án trước khi chính thức tiếp nhận quyền chủ đầu tư.
“Nút thắt” giá bán điện, khí
Ngoài ra, phần việc quan trọng nhất để có được quyết định đầu tư cuối cùng của dự án là các bên liên quan đàm phán được giá bán khí, bán điện. Đây được coi là “kim chỉ nam” nếu muốn đẩy nhanh dự án. Cụ thể, theo giới chuyên gia, hiện các bên đang bế tắc khi đàm phán giá bán khí trong dự thảo Hợp đồng mua bán khí và Hợp đồng bán khí. Mức được đưa ra để thương thảo là tiệm cận mức trên 13,5 USD/triệu BTU (tại cổng nhà máy điện), kéo theo giá bán điện trong Hợp đồng mua bán điện quá cao (khoảng 2.500 đồng/kWh), nên việc cam kết chuyển toàn bộ khối lượng khí Lô B sang phát điện và việc bao tiêu sản lượng điện gặp nhiều trở ngại.
Để giải quyết “nút thắt” này, giới chuyên gia cho rằng cần có cơ chế cho việc đàm phán giá điện, giá khí sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh đẩy rủi ro cho một bên nào đó. “PVN, EVN và các đối tác nước ngoài cần đạt được đồng thuận trên nguyên tắc cùng “chia sẻ rủi ro, bảo đảm lợi ích hài hòa”. Từ đó mới có thể ký kết hợp đồng, đẩy nhanh tiến độ dự án” - một chuyên gia năng lượng đánh giá.
Được biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Chính phủ về việc tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy tiến độ cho chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn. Trong đó nhấn mạnh đến nghĩa vụ bao tiêu khí thượng nguồn phải được cụ thể hóa, chuyển thành sản lượng điện tương ứng trong hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện sử dụng khí Lô B.
Thông tin từ Bảo Việt Securities (BVSC), liên doanh Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) vừa trúng gói thầu Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở trị giá 1,08 tỷ USD thuộc chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn.
BVSC nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quy trình phê duyệt dự án Lô B - Ô Môn, nhưng với quyết tâm của Chính phủ và các bên liên quan, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có thể nhận Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) ngay trong năm 2023.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam 

Cùng chuyên mục

Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub): Những lợi ích vượt trội

14/10/2024

Để tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng nên triển khai xây dựng các kho cảng LNG theo mô hình kho cảng trung tâm (LNG Hub) để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện và công nghiệp xung quanh khu vực thay vì xây dựng từng kho cảng riêng biệt gắn với mỗi dự án điện sử dụng LNG.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151