Phó Quản đốc Phân xưởng vận hành Nhà máy nhiệt điện Na Dương giới thiệu lợi ích của một sáng kiến đã được áp dụng tại công ty Công ty Nhiệt điện Na Dương-TKV trực thuộc Tổng công ty Điện lực TKV thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam được giao quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Na Dương công suất 110MW, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 750 triệu kWh. Nhà máy Nhiệt điện Na Dương được trang bị công nghệ hiện đại, tiên tiến đối với nhà máy sản xuất điện sử dụng than. Đến nay, nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, an toàn được 20 năm.
Trong những năm qua, công ty đã thực hiện tốt việc bảo dưỡng định kỳ, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, đề xuất các sáng kiến áp dụng vào sản xuất, nhằm tăng hiệu quả hoạt động.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, công ty đã áp dụng 20 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật do các nhóm đội ngũ cán bộ, kỹ sư nghiên cứu đề xuất để tối ưu hóa hoạt động vận hành nhà máy. Mỗi năm, các sáng kiến làm lợi cho công ty khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật còn có thể nhân rộng trong các nhà máy nhiệt điện khác trong tổng công ty.
Điển hình như sáng kiến chuyển đổi sử dụng hóa chất keo tụ, chất trợ lắng (PAC) thay thế phèn nhôm cho bể lắng sơ bộ, giúp công ty tiết kiệm chi phí 42,8 triệu đồng/năm. Hay sáng kiến sử dụng chuyển đổi từ khói hồi sử dụng động cơ điện sang sử dụng gió cấp 1 cho rút xỉ chipper của lò hơi. Nội dung sáng kiến không sử dụng động cơ điện mà sử dụng hệ thống quạt gió cấp 1 chung của hệ thống, từ đó tiết kiệm điện năng nhưng hệ thống thiết bị vẫn vận hành an toàn, đảm bảo yêu cầu. Riêng sáng kiến này giúp công ty giảm chi phí sử dụng điện để chạy động cơ điện mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng.
Ông Trịnh Quang Sơn, Phó Quản đốc Phân xưởng vận hành nhà máy nhiệt điện Na Dương cho biết: Hằng năm, công ty đều phát động phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo trong toàn công ty, hầu hết các bộ phận của đơn vị từ kế hoạch, văn phòng đến các phân xưởng sản xuất đều chủ động đăng ký các sáng kiến, giải pháp từ đầu năm để triển khai tại từng bộ phận. Các sáng kiến được nghiên cứu đề xuất, đều xuất phát từ thực tế và mục tiêu nhằm tiết giảm chi phí vận hành, giảm sử dụng nhân công sửa chữa, tiết kiệm trong sử dụng nước tái tuần hoàn góp phần bảo vệ môi trường.
Nhờ các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh của hai doanh nghiệp hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng đầu năm, hai doanh nghiệp đã nộp ngân sách ước đạt gần 120 tỷ đồng.
Còn tại Công ty Than Na Dương, với đặc thù chuyên hoạt động khai thác than, phải sử dụng nhiều máy móc thiết bị, yêu cầu an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường rất cao, việc nghiên cứu phát huy các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật cũng được công ty đẩy mạnh trong những năm qua. Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, các bộ phận sản xuất của công ty đã đề xuất 84 sáng kiến và được áp dụng vào các khâu sản xuất làm lợi 1 tỷ đồng/năm.
Điển hình một số sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đã được đội ngũ cán bộ, người lao động nghiên cứu đề xuất được áp dụng hiệu quả như: thiết kế hệ thống tưới đường dập bụi tự động tuyến đường chuyển than từ trạm cân lên bãi than nguyên khai khu sàng thô; thiết kế lắp đặt thiết bị cảnh báo ngủ gật cho lái xe vận tải; mở các tuyến hào dốc vận chuyển than, đất nhằm rút ngắn cung độ trong quá trình khai thác…
Ông Hoàng Kiều Hưng, Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: Hằng năm, công ty đều xây dựng kế hoạch và giao mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất cho từng bộ phận, việc thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất và được đưa vào đánh giá xếp loại thi đua hằng năm. Do đó, để đạt được mục tiêu thì đẩy mạnh công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một trong các yếu tố quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hằng năm công ty đều khen thưởng tác giả của các sáng kiến làm lợi cho hoạt động sản xuất.
Nhờ các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh của hai doanh nghiệp hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng đầu năm, hai doanh nghiệp đã nộp ngân sách ước đạt gần 120 tỷ đồng.
Với những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua, Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương được đánh giá là những đơn vị điển hình của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để các doanh nghiệp hội viên học tập kinh nghiệm trong quá trình điều hành, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Báo Lạng Sơn