Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 08/10/2024 | 09:47 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giá điện

Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện

14/10/2023
Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần 'xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định', rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.
Sáng 12/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về điều hành giá điện
Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.

Toàn cảnh phiên họp
Đáng chú ý, ông Lê Quang Huy chỉ rõ, một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn…
Trên cơ sở xác định trách nhiệm của những hạn chế, yếu kém, Đoàn giám sát kiến nghị, trong giai đoạn 2024-2025, cần tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng.
Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn Giám kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua, xác định vấn đề còn bất cập, các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường.
Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện khung giá các loại hình điện năng, nhất là điện rác, điện sinh khối, các nguồn điện năng lượng tái tạo, định mức bảo quản xăng dầu.
Đoàn giám sát kiến nghị, cần đánh giá thực trạng, hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành Quỹ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; có cơ chế điều chỉnh các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu để điều tiết thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội…
Đặc biệt, cần điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, trước hết thúc đẩy cạnh tranh trong khâu nguồn điện.
Tham khảo kinh nghiệm thế giới về hình thức mua bán điện trực tiếp
Quan tâm đến vấn đề này, phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần có đánh giá về những ách tắc, vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí và xăng dầu vừa qua. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh; những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia…
“Đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, địa phương để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp (Ảnh: QH)
Nêu ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay là pháp luật trong từng lĩnh vực điện lực, dầu khí,... được xây dựng tương đối độc lập như trong nhận xét của báo cáo của Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, những bất cập trong thời gian qua là những vấn đề mà Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng đã nêu rất rõ. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết 55 cũng nêu rõ, việc thể chế hóa tinh thần của chủ trương, chính sách mới còn bất cập.
Báo cáo về vấn đề giá điện, thị trường điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, cách đây 2 hôm Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì vấn đề này. “Thủ tướng cũng rất bức xúc, cuối cùng họp lại thì thực tế chúng ta chưa cần sửa Luật Điện lực, chúng ta vẫn có thể quy định được giá thị trường của giá điện” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm phải ban hành 1 nghị định và 3 thông tư, trách nhiệm này thuộc Bộ Công Thương và có thể tham khảo hình thức mua bán điện trực tiếp trên trên thế giới. Tuy nhiên phải đánh giá tác động khi chuyển sang cơ chế này để kiểm soát đầu tư công tư.
Khẳng định chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị việc ban hành Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến khác biệt trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, liên quan. Trọng tâm của hoạt động giám sát nên tập trung vào việc thực hiện Quy hoạch điện VII và kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Việc ban hành nghị quyết cần chỉ ra những vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong việc phát triển năng lượng…/.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam  
  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151