Petrovietnam xác định công nghiệp điện là một trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt từ 8.000-14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm từ 5-10% tổng công suất đặt của Tập đoàn.
Nhà máy Điện Cà Mau, thành quả đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong lĩnh vực Điện
Xác định công nghiệp điện là một trong những ngành then chốt giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với mức tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, ngành công nghiệp điện phải đối mặt với những thách thức rất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu phụ tải điện luôn có xu hướng tăng cao. Nhận thức được vị trí và vai trò quan trọng này, Petrovietnam xác định công nghiệp điện là một trong 5 lĩnh vực kinh doanh chính. Ngay từ năm 2001, Tập đoàn đã nghiên cứu đầu tư các dự án Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2. Đến năm 2007, Tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và các Ban Quản lý dự án để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành các dự án điện theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
Đến nay, các đơn vị đã làm chủ được công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy điện khí, thủy điện và điện than. Công tác quản lý đầu tư xây dựng các nhà máy điện cũng đã được đặc biệt chú trọng, được sự chỉ đạo nhất quán, có hiệu quả từ lãnh đạo Tập đoàn đến các ban chuyên môn và các Ban Quản lý dự án.
Petrovietnam tự hào là nhà sản xuất điện đứng thứ 2 của Việt Nam và là nhà sản xuất điện khí lớn nhất cả nước. Hiện nay, Tập đoàn đang quản lý và vận hành 04 nhà máy điện khí, 03 nhà máy điện than và 02 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt khoảng 6.605 MW, tương đương 8% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia, chiếm từ 10-12% sản lượng điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong các tháng cao điểm mùa khô.
Kể từ khi thành lập, trong suốt 17 năm qua, PV Power đã trở thành một Tổng công ty được xếp hạng đặc biệt. Những người lao động điện lực dầu khí qua các thời kỳ với lòng say mê và khát vọng vươn lên đã lao động bền bỉ và sáng tạo không ngừng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Petrovietnam giao phó. PV Power hiện đang quản lý và vận hành 07 nhà máy điện với tổng công suất 4.205 MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất nguồn toàn quốc. PV Power đã xây dựng được đội ngũ CBCNV lành nghề, chuyên nghiệp, tâm huyết, mang đậm văn hóa Dầu khí, đã làm chủ được công nghệ, vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy điện, cũng như trực tiếp quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện của Tập đoàn giao. Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện bình quân hàng năm đạt 13,8%, chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.
Nhằm thực hiện sứ mệnh trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu của đất nước, khu vực và phù hợp với các xu thế phát triển mới, Petrovietnam luôn hướng tới nâng cao hiệu quả cũng như chuyên nghiệp trong công tác quản lý vận hành, sản xuất - kinh doanh các nhà máy điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2020, Petrovietnam đã hoàn thiện Đề án thành lập Chi nhánh Phát điện với mô hình 1 đơn vị đầu mối trong công tác quản lý các nhà máy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư (trước mắt là các Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1) để tối ưu hóa các nguồn lực (về nhân sự, kinh nghiệm, vật tư dự phòng,...) trong công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện. Hiện nay, Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) thay mặt Tập đoàn tổ chức quản lý tài sản, khai thác, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân cấp/ủy quyền của Petrovietnam, phù hợp với các quy định của pháp luật và của Petrovietnam.
Ngoài ra, PVPGB là đầu mối tiến hành các thủ tục để các nhà máy điện tham gia hoạt động điện lực, thị trường điện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, PVPGB có nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện công tác quản lý tài sản, khai thác, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện do Petrovietnam là chủ đầu tư sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đi vào vận hành thương mại. Bên cạnh đó, với khối lượng tài sản quản lý lớn cùng hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, người lao động kỹ thuật cao, PVPGB sẽ là một đơn vị lớn của Tập đoàn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của Petrovietnam.
Petrovietnam bền bỉ, tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
Ngành công nghiệp điện và năng lượng tái tạo (NLTT) của Petrovietnam có lợi thế đủ nhân lực và trình độ cao, đảm bảo triển khai dự án, vận hành tuyệt đối an toàn các nhà máy và chủ động được trong công tác bảo dưỡng, bảo trì. Hiện nay, Tập đoàn đang thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển các dự án điện khí ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước và khí hóa lỏng LNG nhập khẩu. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng hướng đến mục tiêu sử dụng hạ tầng sẵn có phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT, ưu tiên sử dụng năng lượng điện gió ngoài khơi và mặt trời cho phát điện.
PTSC - đơn vị thành viên của Petrovietnam triển khai các dịch vụ kỹ thuật về điện gió ngoài khơi cho khách hàng nước ngoài.
Cuối tháng 8/2023, trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hai nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao Quyết định về việc chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Petrovietnam, để chuẩn bị cho việc phát triển dự án NLTT ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Việc Dự án phát triển NLTT ngoài khơi của Liên danh PTSC (Petrovietnam) - Sembcorp (Singapore) nhận được các giấy phép liên quan trong khuôn khổ chương trình đã thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ hai nước dành cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển NLTT. Với việc được trao giấy phép khảo sát, PTSC hiện là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi nói riêng và NLTT ngoài khơi nói chung. Sự kiện này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực mới mẻ này tại Việt Nam.
Petrovietnam đang tích cực triển khai kế hoạch, lộ trình liên quan đến chuyển dịch năng lượng trên tinh thần triển khai liên tục, lâu dài.
Chuyển dịch năng lượng cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam với định hướng trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng chủ lực của nền kinh tế, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữ vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng. Với sứ mệnh tiên phong đó, từ năm 2019, Petrovietnam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch, lộ trình liên quan đến chuyển dịch năng lượng trên tinh thần triển khai liên tục, lâu dài. Petrovietnam cùng các đơn vị thành viên cũng có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn NLTT thay thế. Tập đoàn cùng các đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm đánh giá về cơ hội và chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất đáp ứng khả năng triển khai các dự án NLTT ngoài khơi.
Lĩnh vực NLTT ngoài khơi là một lĩnh vực mới mẻ với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Để triển khai các dự án này, bên cạnh việc có kinh nghiệm, năng lực trong việc thiết kế, thi công các công trình trên biển còn cần một yếu tố nữa đó là tiềm lực tài chính. Đặc biệt, việc xếp hạng tín nhiệm của Petrovietnam ngang bằng với tín nhiệm quốc gia là cơ sở để Petrovietnam thu xếp vốn cho các dự án một cách thuận lợi và có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch.