Hơn 20 năm đưa điện ra đảo
Biển mùa này thất thường, chuyến ghe chợ từ Nha Trang ra Vũng Ngán, Bích Đầm cũng vì thế mà chậm hơn thường lệ. Gần 13 giờ, anh Vương Trung Phú - Tổ trưởng Tổ Vận hành diesel và Kinh doanh điện đảo, Điện lực Vĩnh Nguyên mới ra đến Bích Đầm. Vừa bước lên cầu cảng, vài người dân đã chào lớn: “Bác nhà đèn lại ra thay ca à? Tối nay đừng để cúp điện nhé”.
Xóm đảo Bích Đầm về đêm.
Cười chào người dân ở xóm đảo, anh Phú bước nhanh về phía trạm phát điện ở cuối xóm, nơi bao năm nay được những người thợ điện xem như ngôi nhà thứ 2. Anh Phú tâm sự: “Bắt đầu từ năm 2003, Điện lực Vĩnh Nguyên đã phát điện hàng đêm cho người dân ở Vũng Ngán. Đến năm 2009 tiếp tục đầu tư thêm 1 máy phát nữa để phục vụ người dân Bích Đầm”.
Vừa nói, anh Phú vừa thoăn thoắt kiểm tra máy móc, bơm dầu, tiếp nước làm mát vào máy. Tất cả đều rất thuần thục, mọi thao tác được thực hiện chính xác, tỉ mỉ. “Làm lâu rồi thành quen, mỗi con ốc, mỗi đoạn dây điện dù là nhỏ nhất cũng đều được kiểm tra kỹ. Không kiểm tra kỹ, buổi tối vận hành xảy ra sự cố là người dân không có điện dùng. Cả xóm đảo chỉ mong chờ vào ngành Điện mấy giờ buổi tối, mình mà không phát được điện thì tội người dân. Người già không được xem ti vi, trẻ nhỏ thiếu ánh sáng học bài, còn thanh niên thì không có Internet để lướt mạng xã hội” - anh Phú trải lòng.
Có điện giúp học sinh xóm đảo thuận tiện trong học tập.
Đã 20 năm qua, trên những xóm đảo, nơi chỉ có sóng vỗ rì rào và gió biển lồng lộng, những người thợ điện đã âm thầm mang ánh sáng đến cho người dân. Khác với việc vận hành điện ở đất liền, cuộc sống và công việc của những người làm ngành Điện trên đảo gặp nhiều khó khăn. Ở đây cái gì cũng thiếu. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn cung cấp vật tư hạn chế, cộng thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt với biển động, mưa bão bất chợt nên máy phát điện chỉ cần hư hỏng là rất khó khăn trong việc sửa chữa.
Anh Đặng Văn Túc (nhân viên vận hành máy phát tại khu vực Vũng Ngán) cho biết: “Công việc của nhân viên ngành Điện ngoài đảo không chỉ đơn thuần là sửa chữa, bảo trì máy phát điện mà còn vận hành đường dây. Trong đêm nếu xảy ra sự cố, anh em phải mò mẫm leo trèo lên cột điện, dầm mình dưới trời mưa gió để khắc phục, đảm bảo nguồn cung cấp điện cho người dân. Mỗi tổ máy chỉ có 1 người trực và phải tự làm mọi việc từ vận hành, bảo trì cho đến thu tiền điện. Anh em trong tổ ở trong đất liền nên mỗi người ra đảo trực 3 ngày liên tục rồi lại có người khác ra thay để 3 ngày sau lại quay ra đảo. Mùa mưa bão, sóng lớn không vào bờ được có khi ở lại ngoài đảo cả tuần”.
Giúp dân đảo gần hơn với đất liền
Đúng 17 giờ, 2 máy phát điện ở Tổ dân phố Vũng Ngán và Bích Đầm đồng loạt đóng máy. Tiếng máy nổ rền vang, xen lẫn tiếng vui reo của tụi nhỏ vọng lại: “Có điện rồi, có điện rồi. Mở ti vi xem thôi”.
Cả xóm đảo nhanh chóng chuyển trạng thái. Tiếng sóng, tiếng gió bị át đi bởi tiếng nhạc. Mấy người già mở nhạc trữ tình, những thanh niên ở quán cà phê mở những bản nhạc sôi động hết công suất. Có điện sáng, phụ nữ bắt đầu vào bếp nấu nướng, cánh đàn ông thì nhanh tay kéo bình ắc quy để sạc điện dùng cho hôm sau. Bởi mỗi ngày, máy phát điện chỉ phát từ 17 giờ đến 21 giờ, đủ ánh sáng phục vụ sinh hoạt buổi tối và cho trẻ em học hành. Ban ngày, muốn có điện phải sử dụng bình ắc quy nạp điện rồi dùng bộ chuyển đổi thành điện 220V để sử dụng.
Anh Lê Văn Nhất (Tổ dân phố Vũng Ngán) chia sẻ: “Điện vô cùng quan trọng đối với người dân trên đảo. Nhờ có điện, người dân có thể sử dụng các thiết bị điện chiếu sáng, nấu nướng, giặt giũ, quạt mát, xem ti vi… giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có điện giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đảo hiệu quả hơn”. Trong trí nhớ của anh Nhất, 20 năm trước, khóm dân cư ở Vũng Ngán khá buồn tẻ. Quanh quẩn chỉ đan lưới, đánh cá. Ban đêm, cả vùng tối om, chỉ có tiếng sóng biển. Cánh đàn ông chập choạng tối chỉ biết rủ nhau nhậu. “Từ ngày có điện mọi thứ đều khác hẳn. Trẻ con, người lớn được tiếp xúc với nhiều phương tiện giải trí. Nhờ xem ti vi mà người dân ngoài đảo biết được nhiều thông tin. Cũng vì thế mà tụi thanh niên ngoài đảo không cảm thấy lạc hậu khi vào bờ” - anh Nhất chia sẻ.
Nhân viên ngành điện sửa máy phát điện bị hư.
Điện đã mang lại những tác động tích cực đối với đời sống của người dân trên các xóm đảo. Nhờ có điện, người dân có thể tiếp cận với thông tin, kiến thức thông qua ti vi, Internet... Điều này góp phần nâng cao trình độ học vấn và văn hóa của người dân. 20 năm có điện ở xóm đảo đã giúp cho nhiều thế hệ học trò được học hành cao hơn. Bà Trần Thị Bồn (người dân Bích Đầm) khoe: “Từ ngày có điện đến giờ, bọn nhỏ ở đảo được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều đứa học hết cấp 3, tiếp tục học lên đại học. Con nhà ông Tư bán quán ở cầu cảng đi học giáo viên trong Nha Trang giờ quay về đảo dạy cho tụi nhỏ trong xóm”.
Ước mong cho tương lai
Nhờ có điện mà cuộc sống của người dân xóm đảo bây giờ đã đổi khác. Tuy nhiên, với sự thay đổi hàng ngày của xã hội, gần 300 hộ gia đình ở Vũng Ngán và Bích Đầm vẫn phải dùng điện từ máy phát, với 5 giờ/ngày thì rõ ràng chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Mỗi người dân trên các xóm đảo đều mong ước một ngày không xa sẽ được dùng điện lưới quốc gia một cách thoải mái hơn. Các máy móc hiện đại sẽ được mua về để phục vụ đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Hòa - Tổ trưởng Tổ dân phố Bích Đầm cho biết: “Bao năm nay, chúng tôi đều mong sớm được sử dụng điện lưới, nếu xa quá không kéo dây được thì Nhà nước có thể đầu tư điện năng lượng gió hoặc mặt trời. Cả xóm Bích Đầm gần 200 nóc nhà nhưng không nhà nào có tủ lạnh. Nước đá vẫn phải đưa từ đất liền ra vì không có điện lưới thì không thể sản xuất được. Điện từ máy phát đã làm thay đổi rất lớn ở xóm đảo này nhưng muốn phát triển hơn thì phải có điện lưới quốc gia như đất liền”.
Có lẽ mong ước này không của riêng ai. Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của người dân trên đảo, việc đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống các đường dây điện, trạm biến áp để đảm bảo cung cấp điện lưới đầy đủ, an toàn cho người dân là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cũng có thể tận dụng tiềm năng dồi dào của các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió để phát triển điện ở Bích Đầm và Vũng Ngán, góp phần bảo vệ môi trường.
Đem những mong muốn này đến hỏi ngành Điện, ông Nguyễn Chí Diễu - Giám đốc Điện lực Vĩnh Nguyên lắc đầu vì quá khó. “Đưa điện lưới ra khu vực Bích Đầm và Vũng Ngán không khả thi vì chi phí quá lớn. Tổng mức đầu tư không tương xứng với nhu cầu sử dụng. Giờ chỉ có thể nghiên cứu đầu tư điện gió hoặc năng lượng mặt trời sẽ thực tế hơn. Cách đây mấy năm, Nhà nước đã khảo sát để áp dụng loại hình này cho người dân trên đảo nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai vì kinh phí rất lớn” - ông Diễu cho biết.
Chia tay người dân Bích Đầm và Vũng Ngán khi trời vừa hừng đông, cả xóm đảo chỉ nghe tiếng người và tiếng sóng vỗ, mấy chiếc loa mở nhạc inh ỏi tối hôm trước ở quán cà phê đầu xóm đã bị dẹp vào một góc để tiết kiệm điện. Trở về đất liền, chúng tôi càng mong cho Bích Đầm và Vũng Ngán sớm có điện lưới để cuộc sống của người dân trên đảo thực sự đổi thay. Song, có lẽ đó vẫn là câu chuyện của tương lai, trước mắt, những nhân viên vận hành máy phát điện vẫn sẽ là những người giữ điện hàng đêm cho các xóm đảo nhỏ bé này.
Theo Báo Khánh Hoà