Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê châu Âu EUROSTAT, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia có giá điện cao tại khu vực do vị trí địa lý cách xa trung tâm châu Âu và trên hết là sự phụ thuộc của quốc gia này vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu cho phát điện.
Trong quá khứ, có thời điểm nhiệt điện chiếm tới 56% tổng sản lượng điện của Tây Ban Nha, chủ yếu là nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Kể từ năm 2001, ngành điện nước này đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa các nguồn năng lượng tái tạo bổ sung vào cơ cấu nguồn điện. Đến năm 2010, các nguồn năng lượng tái tạo đã chiếm tỷ trọng 35% tổng sản lượng điện. Bên cạnh đó, ngành điện Tây Ban Nha cũng quan tâm phát triển các nhà máy điện chu trình hỗn hợp.
Trong thời kỳ hoàng kim cho đến năm 2011, nhiệt điện than tại Tây Ban Nha có 21 nhà máy. Tuy nhiên, thực hiện chính sách chống biến đổi khí hậu, Chính phủ và ngành điện Tây Ban Nha đã bắt đầu triển khai kế hoạch dừng hoạt động các nhà máy điện than trên toàn quốc từ năm 2010, theo đó một loạt các nhà máy điện than dần bị đóng cửa do không đạt hiệu quả kinh tế, chủ yếu từ nguyên nhân các chi phí quá lớn trong khi hiệu quả đem lại không tương xứng, nhất là trong bối cảnh chi phí mua lại quyền phát thải các-bon ngày càng tăng cao. Đến năm 2022, Tây Ban Nha chỉ còn lại 05 nhà máy hoạt động dưới công suất thiết kế và với hiệu quả kinh tế năng lượng thấp.
Sản lượng thủy điện tại Tây Ban Nha lên xuống theo từng năm, phụ thuộc vào chế độ khí tượng thủy văn và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Vào những năm 1940 của thế kỷ trước, thủy điện đóng góp tới 92% tổng sản lượng điện. Năm 2023, con số này giảm xuống xấp xỉ 20%.
Điện gió nước này tăng lên theo thời gian, năm 2005 đáp ứng 7,7% nhu cầu tiêu thụ, năm 2013 khoảng 21,1% và năm 2023 là 22%. Ngày nay, điện gió trở thành nguồn phát đóng góp sản lượng quan trọng cho hệ thống điện quốc gia.
Công suất lắp đặt điện gió Tây Ban Nha hiện nay chiếm khoảng 22,2% tổng công suất điện gió toàn châu Âu, chỉ đứng sau “quốc gia xanh” Cộng hòa Liên bang Đức. Sản lượng điện gió Tây Ban Nha cũng chiếm 40-45% tổng sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo của nước này. Trong đó, tới 70% sản lượng điện gió tập trung tại các khu vực tiềm năng như Castilla y León, Andalucía, Castilla-La Mancha và Galicia.
Điện mặt trời được cho là chưa tận dụng hết tiềm năng sẵn có, mặc dù trong những năm gần đây, ngành điện Tây Ban Nha đã quan tâm chú trọng phát triển các dự án điện mặt trời trên phạm vi toàn quốc. Vào năm 2000, điện mặt trời Tây Ban Nha đạt tổng công suất 6.982 MW, tương đương 4,9% tổng công suất lắp đặt của hệ thống. Tuy nhiên, những năm sau đó sự tăng trưởng của lĩnh vực này chững lại do chính sách cắt giảm hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Kể từ năm 2018, trước nhu cầu tăng cao và sự cần thiết đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với chính sách thu hút đầu tư, lĩnh vực điện mặt trời Tây Ban Nha tăng trưởng trở lại với tổng công suất ước tính 18.867 MW vào năm 2023, vượt qua 17.094 MW công suất thủy điện.
Hàng năm, các dự án điện mặt trời ở Tây Ban Nha đóng góp sản lượng khoảng 13.000 GWh cho hệ thống điện quốc gia với các dự án tập trung tại khu vực Castilla-La Mancha, theo tính toán là vùng sở hữu khoảng 20% tiềm năng điện mặt trời của cả nước.
Có thời điểm, chỉ trong một năm, Tây Ban Nha có thêm 2.700 MW công suất điện mặt trời. Đây là con số cho thấy tốc độ phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, các hệ thống điện mặt trời tự sử dụng với quy mô hộ gia đình cũng phát triển mạnh mẽ tại Tây Ban Nha với khoảng 3.000 MW được lắp mới vào năm 2023.
Trong quá khứ, điện hạt nhân cũng đạt được mức độ phát triển mạnh tại quốc gia này với 5 nhà máy điện hạt nhân lớn, nhưng do chính sách dừng điện hạt nhân tạm thời kể từ năm 1982, việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân giảm dần từ mức tỷ trọng 35% sản lượng của năm 1996, xuống còn 20% vào năm 2013 và năm 2023 là 20,8% với tổng sản lượng đạt khoảng 55.000 GWh.
Lưới điện truyền tải do Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (REE) vận hành ở mức hiệu điện thế cao áp từ 200 kV đến 400 kV, tần số 50 Hz.
Cùng với quá trình hội nhập, năm 1997 thị trường điện Tây Ban Nha chính thức mở cửa, cho phép sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó có các đơn vị kinh doanh độc lập, các hợp tác xã năng lượng tái tạo v.v…có thể mua bán điện tự do, chỉ cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tương tự các quốc gia khác trong khu vực, trong những năm gần đây, ngành điện Tây Ban Nha đang trải qua quá trình chuyển đổi năng lượng. Việc thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng và những thói quen, tập quán tiêu thụ năng lượng, trong đó có điện năng theo hướng xanh, sạch, bền vững là xu thế khó đảo ngược tại đây.
Điện từ nhiên liệu hóa thạch đã và đang giảm nhờ vào những nỗ lực chính sách của Liên minh châu Âu và Chính phủ Tây Ban Nha. Các nguồn thay thế dự kiến sẽ tiếp tục là năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt và điện sinh khối.
Cho đến nay, ngành điện Tây Ban Nha đã triển khai phát triển năng lượng tái tạo qua nhiều giai đoạn, tương ứng với các kế hoạch quốc gia thời hạn 10 năm và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, tỷ trọng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo chiếm xấp xỉ 50% sản lượng điện của nước này.
Trong cơ cấu hệ thống điện Tây Ban Nha, điện khí chiếm tỷ trọng 25%, điện gió 22%, thủy điện 19%, điện than 11%, điện hạt nhân 8%, điện nhiên liệu hỗn hợp 8%, điện mặt trời 4% và còn lại là các nguồn khác.
Việt Phương
(Nguồn: https://es.wikipedia.org
https://www.iea.org/reports
https://www.bing.com)