Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 05/10/2024 | 22:57 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Sứ mệnh mới của A0 với tên gọi mới

05/08/2024
Sau 30 năm hoạt động, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã hoàn thành sứ mệnh của mình và tiếp tục giữ vai trò nhạc trưởng trong giai đoạn mới.
Tròn 30 năm hoạt động, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, tạo tiền đề cho một giai đoạn mới với tên gọi mới khi trực thuộc Bộ Công Thương từ 1/8/2024.
Hoàn thành xuất sắc sứ mệnh
Sau khi đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đi vào hoạt động, hệ thống điện Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh thay vì sự độc lập như trước kia. Yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc bấy giờ là cần có các đơn vị chỉ huy điều hành toàn bộ hệ thống sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 30/9/1992, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã ký Quyết định thành lập Ban chuẩn bị sản xuất Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (gọi tắt là A0) trực thuộc Công ty Điện lực 1. Và đến ngày 11/4/1994, A0 được thành lập theo Quyết định số 180 NL/TCCB-LĐ của Bộ Năng lượng, là đơn vị trực thuộc Bộ Năng lượng với nhiệm vụ trọng tâm là chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia, nhằm đạt kết quả tối ưu về kỹ thuật và kinh tế; đảm bảo hệ thống điện quốc gia vận hành liên tục, tin cậy, an toàn.
Khi Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) được thành lập, để thuận lợi cho điều hành chuyên môn, Bộ Năng lượng đã ký Quyết định số 559 NL/TCCB-LĐ 24/10/1995 chuyển A0 về trực thuộc EVN. Đồng thời có thêm nhiệm vụ mới là tiếp nhận điều hành trực tiếp tất cả các nhà máy điện có công suất tổ máy trên 30 MW nhằm khai thác hiệu quả tổng hợp các nhà máy điện, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định cho các nhu cầu dùng điện trên phạm vi toàn quốc. A0 hoạt động song song với các trung tâm điều độ hệ thống điện 3 miền Bắc – Trung - Nam.
Năm 1998, các trung tâm điều độ miền sát nhập với A0 đảm nhận nhiệm vụ điều hành trực tiếp hệ thống điện quốc gia bao gồm các nhà máy điện có công suất trên 30 MW, hệ thống truyền tải từ cấp điện áp 110 - 500 kV.
Năm 1999, A0 có 5 chức năng chính: Thứ nhất, lập phương thức hoạt động và chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia từ các khâu truyền tải đến phân phối điện năng theo quy trình nhiệm vụ và phân cấp điều độ hệ thống điện quốc gia đã được phê duyệt.
Thứ hai, quản lý hệ thống SCADA (kiểm soát, điều khiển, thu thập và quản lý số liệu)/EMS (hệ thống quản lý năng lượng) phục vụ sản xuất.
Thứ ba, hoạt động tư vấn trong lĩnh vực lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế lắp đặt hệ thống rơle bảo vệ và tự động hóa hệ thống điện, hệ thống SCADA/EMS và hệ thống máy tính chuyên dụng và các dịch vụ khác liên quan đến tính toán hệ thống điện, thiết bị điện, ứng dụng tin học, điều khiển vào sản xuất.
Thứ tư, quản lý, thiết kế, lắp đặt, bảo quản, sửa chữa hệ thống thông tin viễn thông phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh trong hệ thống điện theo quy chế phân cấp của EVN; Thứ năm, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất.
Đến năm 2004, Trung tâm đảm nhận thêm chức năng tham gia thiết kế thị trường điện nội bộ EVN và trực tiếp vận hành thị trường điện này từ tháng 1/2007 đến tháng 7/2007. Rồi sau đó là vận hành thị trường điện Việt Nam cho đến nay.
Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, A0 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình là vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy, đảm bảo cung cấp điện cho đất nước với quy mô hệ thống điện ngày càng lớn, yêu cầu kỹ thuật – công nghệ ngày càng cao.

Các kỹ sư vận hành tại Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (Ảnh: A0)
Tiếp tục giữ vai trò nhạc trưởng hệ thống điện Việt Nam
Như đã biết, Hệ thống điện quốc gia bao gồm 4 khâu chính gồm: Nguồn điện, truyền tải, phân phối, tiêu thụ điện năng. 4 khâu này cơ bản vẫn thuộc EVN (ngoại trừ nguồn điện có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân) vì thế nhiều người cho rằng ngành điện thiếu đi sự cạnh tranh trong thị trường điện.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, báo cáo, tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc tách A0 khỏi EVN để đảm bảo tính độc lập, khách quan của A0; tăng thêm sự minh bạch, cạnh tranh, công bằng cho thị trường điện Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường…
Sau nhiều thảo luận, xây dựng dự thảo, thống nhất chủ trương, ngày 1/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc tách A0 từ EVN và chủ trương thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Quyết định số 753/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương.
Theo 2 quyết định, NSMO là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (ban đầu là 776 tỷ đồng), tổ chức theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thực hiện nhiệm vụ là đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại Luật Điện lực và pháp luật liên quan.
Cụ thể, NSMO có nhiệm vụ lập phương thức chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu an toàn, ổn định, tin cậy, điều hành giao dịch thị trường điện đảm bảo công bằng, minh bạch; góp phần đảm bảo mục tiêu cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đầu tư, quản lý, vận hành, bảo trì và bảo dưỡng hạ tầng hệ thống viễn thông công nghệ thông tin chuyên ngành phục vụ vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và năng lượng tái tạo.
NSMO đảm bảo hoạt động bền vững, hiệu quả; tối ưu hóa chi phí, quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhà nước đầu tư tại NSMO hiệu quả và đúng quy định; và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Việc tách A0, thành lập và chuyển NSMO vẫn giữ nguyên trạng trong thời gian đầu kể cả phần lao động, tài sản, nguồn vốn, quyền, nghĩa vụ của EVN đang giao A0 quản lý; quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của A0 do A0 và EVN đang thực hiện theo quy định pháp luật….
Tại các quyết định, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc tách, thành lập và chuyển NSMO.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách A0 ra khỏi EVN và chuyển sang Bộ Công Thương là bước đi đúng đắn và quan trọng để phát triển một thị trường điện bền vững. Đồng thời sẽ góp phần tăng thêm sự minh bạch, công bằng cho thị trường điện cạnh tranh sắp tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo Báo Công Thương  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151