Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 17/09/2024 | 05:24 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Giám sát cung cấp điện

Tiêu thụ điện sinh hoạt tại TP.HCM giảm

16/08/2024
Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết số lượng người sử dụng điện sinh hoạt ở thang giá điện cao trong tháng 7 giảm hơn 10% so với lúc cao điểm nắng nóng.
Theo thống kê của EVN HCMC, số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các bậc thang giá điện thứ 5 và thứ 6 trong tháng 7 đã giảm trung bình khoảng 10,76% so với tháng 4 và 5, thời điểm cao điểm của nắng nóng.
Trong đó, số lượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở bậc thang thứ 6 (sử dụng điện từ 401kWh trở lên với giá điện 3.015 đồng/kWh chưa bao gồm thuế VAT) đã giảm 11,3% (khoảng 270 ngàn khách hàng) so với tháng cao điểm mùa nắng nóng.
Nguyên nhân của việc sản lượng điện sinh hoạt tại TP.HCM giảm được EVN HCMC lý giải là do thời tiết tại TP.HCM và khu vực Nam Bộ đã bước sang mùa mưa, khí hậu mát mẻ, ban đêm và gần sáng nhiệt độ ngoài trời xuống thấp nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, đặc biệt là máy lạnh, của các hộ dân đã giảm đi rất nhiều.
Hiện, thời gian sử dụng các thiết bị làm mát đã rút ngắn hơn trước, không còn dùng liên tục ở mức nhiệt độ thấp (18-23 độ C) nên sản lượng điện tiêu thụ của các gia đình giảm. Do đó, giá điện sinh hoạt chỉ rơi vào trong khoảng từ bậc 1 đến bậc 4, một phần ít của bậc 5, bậc 6 giúp chi phí tiền điện các gia đình giảm mạnh.
Lượng người sử dụng điện ở bậc 6 trên địa bàn TP.HCM trong tháng 7 giảm khoảng 270.000 người so với cao điểm mùa nắng
Bên cạnh đó, ý thức thực hành tốt việc tiết kiệm điện cũng góp phần làm giảm sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM. Theo đó, các hộ gia đình sử dụng những sản phẩm dán nhãn năng lượng để tiết kiệm điện ngày càng nhiều; ngắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật sự cần thiết; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà...
Ngoài ra, vào ban đêm, nhiều gia đình đã mở cửa sổ thay vì sử dụng điều hòa để tận dụng luồng khí mát tự nhiên, giúp giảm đáng kể sản lượng điện tiêu thụ và chi phí điện hàng tháng.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, hiện nay 100% khách hàng tại TP.HCM đã được lắp đặt công tơ đo đếm từ xa.
Hệ thống này thu thập chỉ số điện từ xa để tính toán hóa đơn, cung cấp một số thông tin liên quan như cảnh báo điện năng sử dụng tăng, giảm bất thường, các thông số vận hành về dòng điện, điện áp, hệ số công suất... Thông tin được tự động gửi đến người dùng thông qua app EVNHCMC CSKH. Từ đó, người dùng có thể chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng điện.
Cùng với đó, việc truy cập vào ứng dụng EVNHCMC CSKH đã giúp người dân thấy rõ biểu đồ điện năng tiêu thụ theo ngày. Ở mục “Xem bảng chi tiết” người dân sẽ biết rõ ràng chỉ số công tơ và lượng điện năng tiêu thụ theo ngày, từ đó giúp khách hàng nắm được ngày sử dụng cao nhất, ngày sử dụng thấp nhất để có thể điều chỉnh hành vi sử dụng điện.
Qua việc theo sát các chỉ số, người dân sẽ chủ động sử dụng điện tiết kiệm để hạn chế tối đa việc dùng điện ở các bậc thang giá điện cao (bậc thứ 5, thứ 6) để tiết kiệm chi phí sinh hoạt của gia đình.
Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng luôn kêu gọi khách hàng đồng hành cùng ngành điện triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Từ đó, hướng tới mục tiêu xây dựng thói quen kiệm điện xuyên suốt chứ không chỉ là giải pháp tình thế hay chỉ trong các tháng mùa nắng nóng.
Theo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, sản lượng điện nhận tháng 7 đạt 2.571,60 triệu kWh, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Sản lượng điện thương phẩm tháng 7 đạt 2.490,78 triệu kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Kết quả thực hiện các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối trong 7 tháng: SAIFI (số lần mất điện bình quân của khách hàng) 0,13 lần; SAIDI (thời gian mất điện bình quân của khách hàng) 9,74 phút.
EVN HCM đã cung cấp 100% các loại hình dịch vụ trực tuyến cấp độ 4. Tỉ lệ khách hàng dùng các hình thức SMS & Mobile Banking; Internet Banking của ngân hàng; trích nợ tự động; ví điện tử; ATM/Thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến qua Web CSKH để thanh toán tiền điện đạt 99,85% về khách hàng, tương ứng 99,69% giá trị hóa đơn.
Trong 7 tháng đầu năm, đã có 1.858.820 khách hàng đăng ký ứng dụng EVNHCMC CSKH. Lũy kế đến nay đạt tỷ lệ 67,04% trên tổng số khách hàng.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Cùng chuyên mục

Hầu hết các khu dân cư bị ngập úng trên địa bàn tỉnh được cấp điện trở lại

16/09/2024

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa to. Cùng với đó, triều cường khiến mực nước trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy dâng cao. Nước lũ dâng cao trên các tuyến sông làm một số khu dân cư nằm ở vùng bối các xã: Yên Bằng, Yên Khang, Yên Phúc, Yên Lộc, Yên Nhân (Ý Yên); Phương Định, Trực Chính (Trực Ninh); Xuân Thành, Xuân Hồng (Xuân Trường); Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); Mỹ Tân (thành phố Nam Định)… bị úng ngập, do đó Công ty Điện lực Nam Định phải ngừng cấp điện để bảo đảm an toàn cho người dân.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151