Để tháo gỡ những "rào cản", "điểm nghẽn" đối với hoạt động đầu tư vào ngành điện thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động cho rằng, cần liên thông điều chỉnh từ giá nhiên liệu đầu vào đến giá điện, có một hệ thống truyền tải đủ và thông minh để có thể cân được nguồn từ các vùng, miền, ở các thời điểm.
“Cơ chế mua bán điện, lộ trình thì Chính phủ cũng đã có bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, để giải quyết được trong bối cảnh cũng như nhu cầu hiện tại, cần rất nhiều cơ chế và sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là hệ thống hành lang pháp lý để các đơn vị, tổ chức lớn có thể mua trực tiếp từ các nhà máy. Đặc biệt nữa là việc đầu tư thêm các hệ thống dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo. Đó là những vấn đề sẽ ảnh hưởng lâu dài, bền vững đến hệ thống điện Việt Nam” - ông Nguyễn Đình Tuấn nêu ý kiến.
Ảnh minh họa - KT
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để giảm giá thành điện phải nghĩ đến các thể chế, chính sách khác có giúp cho việc sản xuất điện tiết kiệm hơn không. Do đó cần phải rà soát, nếu cải cách được cả quy trình đầu tư để phát triển một dự án điện; quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi, rõ ràng sẽ tạo cơ hội để giảm giá.
“Giá điện có tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, vì vậy phải rà soát chính sách hỗ trợ về bán điện cho các đối tượng. Việc này phải thực hiện luôn, nhưng vẫn trên nguyên tắc cơ chế tài chính tách bạch, Nhà nước tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh. Thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn. Như vậy, cùng với hệ thống, cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất” - ông Phan Đức Hiếu nói.
Các chuyên gia trong lĩnh vực cũng cho rằng, chúng ta đang sửa Luật Điện lực, theo đó cần phải cải cách căn bản về giá. Sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội để hướng đến tính thị trường nhiều hơn.
Theo VOV