Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ ba, 05/11/2024 | 07:32 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Hoạt động ERAV

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành công thương

18/09/2024
Làm việc với Bộ Công Thương chiều 17/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế; khẳng định và thực hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội; phát huy và thúc đẩy những thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm đối với ngành công thương - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra
Báo cáo với Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế toàn cầu biến động khó lường, nhiều tồn tại vướng mắc tích tụ từ lâu, nhưng những năm qua, đặc biệt trong 8 tháng năm 2024, toàn ngành công thương đã nỗ lực phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.
Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.
Nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng luôn được quan tâm. Ngành điện tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn và lưới điện lớn đi vào hoạt động, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Vấn đề vận hành hệ thống điện và xây dựng thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được chú trọng theo hướng hoàn thiện thể chế, chính sách về điều tiết hoạt động điện lực công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.
Đáng chú ý, hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao với tốc độ hai con số (trừ năm 2023 do trường toàn cầu suy thoái).
Đến nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số sản phẩm có thế mạnh, như gạo, thủy sản, đồ gỗ, da giầy… Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của nước ta đã thoát khỏi vòng xoáy suy giảm và phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 265 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Một điểm sáng nữa của toàn ngành là sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2024 tăng trưởng từ 7-8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%. Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và IIP có thể vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các công tác khác, như hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường trong nước phát triển; thương mại điện tử; quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại; quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa; xúc tiến thương mại; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… đều được tăng cường, đổi mới và hoàn thành, phát huy hiệu quả
"Đến hết tháng 8, ngành công thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024", Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06... - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành công thương cũng đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức.
Nhiệm vụ đảm bảo đủ điện là thách thức lớn sau nhiều năm không được bổ sung nguồn điện mới. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển điện năng theo Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch năng lượng quốc gia gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực, nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính. Thương mại trong nước tăng trưởng khá, nhưng hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế.
Đồng thời, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024.
Bộ Công Thương đã chủ động, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành ứng phó, giảm thiểu, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, sớm cung cấp điện trở lại, đảm bảo nguồn cung xăng dầu các mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống người dân, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão.
Sau báo cáo của Bộ Công Thương và một số ý kiến thảo luận, đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty… Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, Bộ Công Thương có chức năng quản lý đa ngành về kinh tế, liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và có nhiều vấn đề phức tạp, tồn đọng từ rất lâu, không dễ giải quyết.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ và ngành công thương phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, như COVID-19, đứt gãy nguồn cung, xung đột trên thế giới, chiến tranh thương mại… và cả thách thức về nhân sự, đã tác động đến mọi mặt của việc thực thi nhiệm vụ công tác của toàn ngành.
"Trong bối cảnh khó khăn ấy, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, cùng với nỗ lực của ngành, Bộ Công Thương được những kết quả tích cực như hiện nay là một kỳ tích", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Cho rằng phía trước còn nhiều vấn đề phức tạp, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nội luật hóa luật pháp quốc tế cũng là thách thức, hàng loạt cam kết phải thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đồng hành để ngành công thương hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đồng hành để ngành công thương hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Phải vừa tháo gỡ vướng mắc, vừa kiến tạo phát triển
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định, báo cáo của Bộ Công Thương đã cung cấp "bức tranh" tổng thể, khái quát và thể hiện được các lĩnh vực công tác của Bộ liên quan trực tiếp, sâu sát, toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh khu vực, quốc tế và trong nước còn rất nhiều khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, toàn diện, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Bộ Công Thương và toàn ngành công thương đã đóng góp lớn cho thành tựu chung của đất nước trong thời gian qua.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của Bộ và ngành công thương từ đầu nhiệm kỳ đến nay và đặt biệt là trong 8 tháng qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung thực hiện 3 vấn đề trọng tâm.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, để vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, vừa kiến tạo, mở đường cho phát triển.
"Thể chế được xây dựng không chỉ để quản lý những cái đã có, mà phải suy nghĩ, thí điểm, triển khai những cái mới, để tạo ra khung khổ pháp lý mở đường cho sự phát triển trong tương lai", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo với Phó Thủ tướng những công việc mà ngành công thương đã thực hiện được trong thời gian qua - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Hai là, tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Ngành công thương cần khẳng định và phát huy vai trò chủ lực.
Trong đó, xây dựng được các quy chế, quy định để thúc đẩy, khuyến khích phát triển ngành điện, thí điểm dự án năng lượng tái tạo…; tập trung vào điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch, triển khai tháo gỡ dự án đang tồn đọng, phát triển các dự án có hiệu quả.
Ba là, đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong duy trì, thúc đẩy và phát triển tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tận dụng, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA).
"Ưu tiên của Chính phủ là đàm phán, thiết lập các FTA mới", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung phát huy những thành công của thương mại điện tử theo đúng theo xu hướng chung của thế giới; tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ Đề án 06; tiếp tục thúc đẩy Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Theo Báo điện tử Chính phủ  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302