Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ hai, 02/12/2024 | 15:40 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Luật Điện lực (sửa đổi): Cần thể hiện rõ cơ chế đột phá trong triển khai điện gió ngoài khơi

07/11/2024
Với mục tiêu đạt 6.000 MW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW, việc triển khai các dự án ĐGNK đang ngày càng trở nên cấp bách, khi một dự án dự kiến mất 7-10 năm để phát triển. Chính phủ đã khẳng định chủ trương sớm thí điểm phát triển ĐGNK "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm.
ĐGNK được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo đầy hứa hẹn, có thể góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của Việt Nam. Nguồn năng lượng này có tiềm năng cung cấp điện sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước. Đồng thời, ĐGNK cũng tạo ra các cơ hội kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường cho Việt Nam.
Với tiềm năng ĐGNK được đánh giá khá tốt, ước tính lên tới 600 GW, việc phát triển ĐGNK ở nước ta thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do là các dự án mới, chưa từng được triển khai tại Việt Nam nên việc hoàn thiện khung pháp lý, các quy định liên quan còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến nay chưa có dự án nào được khởi công.
Sau một thời gian đánh giá, rà soát, Chính phủ đã khẳng định chủ trương thí điểm ĐGNK và xác định đây là quá trình "vừa làm, vừa hoàn thiện" nhằm hình thành đầy đủ cơ chế, chính sách pháp luật đi kèm cho từng loại dự án phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu, sản xuất hydro xanh... Bộ Công Thương được giao hoàn thiện Đề án thí điểm, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Để thực hiện thành công các dự án thí điểm, mở đường cho phát triển ĐGNK tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế đột phá, có sự tiếp sức của nhà nước, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.
Tạo cơ chế đột phá cho phát triển ĐGNK
Theo ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), trong phát triển ĐGNK, tất cả các nước trên thế giới đều trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm, nhà nước sẽ bao tiêu toàn bộ thời gian dự án, xác định một mức lợi nhuận định biên, quy mô thí điểm để đánh giá tiềm năng, thiết kế phù hợp với vùng biển, đánh giá tác động đến môi trường… Giai đoạn 2 là phát triển có điều kiện, tức là có sự hỗ trợ của nhà nước, bao tiêu trong thời gian nhất định và có hỗ trợ giá. Giai đoạn 3 là giai đoạn phát triển, tổ chức đấu thầu giá.
Bên cạnh đó, ông Bắc cho rằng, chúng ta cần xem xét chính sách nội địa hóa như các quốc gia trên thế giới. Với chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật cho ĐGNK, các nước trên thế giới đều yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa để nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật của nước sở tại. Như Đài Loan (Trung Quốc), giai đoạn đầu là giai đoạn khuyến khích, thí điểm, họ không đưa ra tỷ lệ nội địa hóa, tuy nhiên đến giai đoạn 2 họ bắt đầu đưa ra yêu cầu nội địa hóa với tỷ lệ rất cao là 60%, giai đoạn 3 là 70%, mặc dù trong điều kiện Đài Loan không có ngành công nghiệp Dầu khí cũng như cơ khí chế tạo phát triển mạnh như nước ta. Do đó, để phát triển năng lực trong nước, cũng như theo kinh nghiệm quốc tế, doanh nghiệp kiến nghị cần luật hóa chính sách về nội địa hóa với ĐGNK.
Theo ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập, hiện nay, chưa có dự án ĐGNK nào được thực hiện nên chưa có điều kiện kiểm chứng các khó khăn vướng mắc sẽ xảy ra đối với các dự án này. Do đó, việc mạnh dạn tiến hành thí điểm các dự án ĐGNK, đặc biệt là ở Vịnh Bắc Bộ sẽ góp phần cung ứng điện cho miền Bắc và từ đó có những dự án tiên phong để rút kinh nghiệm, bài học mở đường cho các dự án khác.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung các quy định để thể hiện rõ cơ chế đột phá trong triển khai các dự án ĐGNK - Ảnh minh họa
Theo ông Đỗ Đức Chiến, Phòng Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, việc “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam” đã được nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, do đó để thể chế hóa chủ trương của Đảng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung các quy định để thể hiện rõ cơ chế đột phá trong triển khai các dự án ĐGNK, phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế và gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Phạm Xuân Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, “Đã xác định việc thí điểm ĐGNK là cần thiết và các doanh nghiệp nhà nước được chỉ đạo làm thí điểm thì phải thực hiện, nhưng đồng thời cũng phải có sự hỗ trợ, tiếp sức của nhà nước, để có pháp lý đủ mạnh cho doanh nghiệp thực hiện, còn không đủ sức sẽ rất khó”.
Do đó, với việc triển khai thực hiện thí điểm các dự án ĐGNK, các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận thấy cần có cơ chế, chính sách đột phá để có thể triển khai thành công các dự án này, tạo tiền đề cho phát triển ĐGNK ở nước ta, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu của chuyển dịch năng lượng cũng như phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Tạp chí Petrotimes.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.893
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.956
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.271
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.860
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.197
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.302