Toàn cảnh buổi làm việc.Trọng tâm là nêu rõ việc thực hiện đầu tư, cải tạo các dự án đa chia, đa nối (MDMC), mạch vòng, tự động hóa lưới điện (DMS)...
Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa Hoàng Hải báo cáo đoàn công tác.
Báo cáo đoàn công tác, Giám đốc PC Thanh Hóa Hoàng Hải cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại PC Thanh Hóa đang quản lý vận hành 28 TBA 110kV, 67 đường dây với tổng chiều dài là 1.084,78km; 251 đường dây trung thế có tổng chiều dài 7.453,31km và 12.947,8km đường dây hạ áp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho hơn 851.000 khách hàng sử dụng điện trên toàn địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đối với trạm biến áp trung gian, hiện còn 15 trạm (giảm 14 trạm so với cùng kỳ năm 2023).
Tổn thất điện năng 9 tháng thực hiện được 3,84%, thấp hơn 0,79% so với cùng kỳ và thấp hơn kế hoạch năm 0,13%; về sự cố 110kV, không để xảy ra vụ sự cố TBA 110kV, sự cố thoáng qua đường dây giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4 vụ so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, sự cố kéo dài đường dây giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2023 và ít hơn 1 vụ so với kế hoạch năm 2024; sự cố lưới điện trung hạ áp giảm 20 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Điện thương phẩm đạt 5.883,60 triệu kWh, tăng trưởng 11,23% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất điển hình của năm 2024 Pmax 1.482MW. Bằng việc vận hành linh hoạt và tận dụng tối đa các mạch vòng MDMC, DMS giúp cô lập tối thiểu phạm vi mất điện và giảm thiểu tối đa phạm vi, khách hàng mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện... các chỉ tiêu về an toàn, giá bán điện bình quân, sản xuất kinh doanh dịch vụ điện lực và một số lĩnh vực khác công ty đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu Tổng công ty giao.
Đối với chương trình MDMC, DMS: Từ năm 2020 đến nay Công ty Điện lực Thanh Hóa đã triển khai thực hiện 9 danh mục MDMC và 6 danh mục cải tạo mạch vòng theo chuyên đề hàng năm của Tổng công ty. Thực tế cho thấy các dự án MDMC và cải tạo mạch vòng trung áp khi hoàn thành đã tạo liên kết mạch vòng linh hoạt trong cấp điện, san tải/khai thác tối ưu công suất đặt các TBA 110kV qua các mạch vòng trung áp, giảm tổn thất và phát huy hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện hằng năm.
Cùng với đó Công ty đã đưa kết nối các máy cắt tự đóng (Recloser), thiết bị đóng cắt (LBS), tủ trung thế (RMU) về trung tâm điều khiển xa và cấu hình các mạch vòng theo chuyên đề tự động hóa lưới điện (DMS) hàng năm của Tổng Công ty với 442 thiết bị LBS/RE/RMU về Trung tâm Điều khiển xa; số lượng ngăn lộ xuất tuyến trung áp đã chạy bài toán DMS là 64 xuất tuyến; ứng dụng tự động hóa lưới điện (DMS) cho 34 mạch vòng. Ứng dụng DMS giúp cho việc cô lập, xử lý sự cố, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện rõ rệt, kết nối thiết bị về Trung tâm Điều khiển xa để giảm thời gian di chuyển thao tác trên lưới, theo dõi được thông số vận hành, sự cố, phân tích điều tra sự cố được chuẩn xác, đặc biệt là khu vực Thanh Hóa có các đường dây dài khu vực miền núi như ĐZ 373 E9.12 đi huyện Bá Thước, ĐZ 371 E9.12 đi huyện Quan Sơn, ĐZ 374 E9.12 đi Quan Hóa - Mường Lát... Ngoài ra, PC Thanh Hóa luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, chỉ tính riêng thay MBA vận hành lâu năm, đến nay đơn vị đã thực hiện thay thế 372 MBA.
Bước sang năm 2025 và những năm tiếp theo, PC Thanh Hóa sẽ tiếp tục rà soát, đăng ký danh mục, lập và trình duyệt phương án đầu tư xây dựng công trình mạch vòng, đa chia - đa nối. Trong đó lựa chọn các mạch vòng chính cho các khu vực phụ tải thuộc vùng 1 để thực hiện cải tạo đảm bảo N-1 với 4 lộ đường dây trung áp khu vực TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, tiếp đến mới xem xét đến vùng 2 với 6 lộ đường dây trung áp. Xây dựng các đoạn đa nối để kết lưới san tải, linh hoạt cấp điện khi sự cố; lắp đặt thêm các thiết bị đa chia như Recloser, LBS cho các đường dây đảm bảo phân đoạn lưới điện, giảm số lượng khách hàng mất điện, mục tiêu trung bình mỗi đường dây có 2-3 thiết bị phân đoạn (khoảng 600 thiết bị/251 ĐZ).
Giai đoạn 2025-2030, theo định hướng chương trình của Tổng Công ty về công tác tự động hóa lưới điện, Công ty sẽ lựa chọn các mạch vòng ổn định, tối thiểu 3 năm không thay đổi kết cấu lưới thực hiện DAS/DMS; triển khai kết nối các tủ RMU khu vực thành phố, thị xã về trung tâm Điều khiển xa. Trước mắt lựa chọn khu vực phụ tải ưu tiên là TP Thanh Hóa (vùng 1).
Về chương trình giảm tổn thất điện năng (TTĐN) lưới điện trung hạ áp, đến nay Công ty đã lựa chọn các TBA theo tiêu chí của Tổng Công ty là có TTĐN ≥4,5% và điện năng tổn thất trung bình trên 2.000 kWh/tháng để lập phương án đầu tư xây dựng. Đơn vị đã đề xuất 33 danh mục và được Tổng công ty giao 18 danh mục. Rà soát, tổng hợp và lập phương án thay thế các máy biến áp vận hành quá tải, thời gian vận hành trên 30 năm, hiệu quả hoạt động kém, có nguy cơ đe dọa sự cố cao để thực hiện bảo trì theo điều kiện, dựa trên tình trạng thiết bị (CBM).
Đại diện các Ban chuyên môn của Tổng công ty cùng đơn vị đi sâu phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu trong nội dung làm việc lần này. Qua đó đưa ra góp ý, đề xuất những giải pháp mang tính trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp cho đơn vị đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao.
Qua báo cáo của PC Thanh Hóa và kiểm tra thực tế, các Ban chuyên môn của Tổng công ty cùng đơn vị đi sâu phân tích, đánh giá một số chỉ tiêu trong nội dung chương trình làm việc. Qua đó đưa ra góp ý, đề xuất những giải pháp mang tính trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp cho đơn vị đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh do EVNNPC giao năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021-2025 và định hướng cho giai đoạn 2025-2030.
Kiến nghị với đoàn công tác, PC Thanh Hóa đề nghị Tổng công ty quan tâm ưu tiên nguồn vốn để đầu tư cải tạo lưới điện đã tiếp nhận để nâng cao chất lượng điện và giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Trước mắt là để cấp điện phục vụ tết Nguyên đán và mùa nắng nóng năm 2025... cũng như đưa tổn thất lưới điện hạ áp xuống dưới 5%, không còn khách hàng bị điện áp thấp. Với việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng trên địa bàn tỉnh ngày một tăng cao, Công ty mong muốn Tổng công ty tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các TBA và những đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các dự án 110kV đang triển khai cũng như đầu tư xây dựng thêm các TBA 110kV mới. Đối với các chương trình mục tiêu hàng năm, Tổng công ty giao sớm các danh mục đầu tư để đơn vị thực hiện hoàn chỉnh tất cả các khâu, đặc biệt trong công tác đăng ký kế hoạch sử dụng đất để thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Bắc có ý kiến với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia bám sát tiến độ và hoàn thành theo quy hoạch các dự án trạm 220kV Sầm Sơn, Hậu Lộc để chống quá tải lưới điện 110kV khu vực và đáp ứng tiêu chí n-1, giảm tổn thất lưới điện 110kV; báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có chủ trương đầu tư trạm 220kV Thiệu Yên, Bá Thước để đảm bảo nguồn cấp cho khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại Trung tâm điều khiển xa và một số vị trí lưới điện do PC Thanh Hóa quản lý trên địa bàn.
Ông Vũ Thế Nam - Thành viên HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Công ty Điện lực Thanh Hóa.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Vũ Thế Nam, Thành viên HĐTV Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã ghi nhận sự nỗ lực và thành quả đạt được của PC Thanh Hóa, đồng thời yêu cầu đơn vị tập trung nghiên cứu đưa ra các giải pháp có tính hiệu quả cao. Trọng tâm là: Bám sát các đề án, chủ trương của Tổng công ty, tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tổ chức rà soát lại toàn bộ thực trạng hệ thống lưới điện, chỉ rõ những tồn tại chính để tập trung đưa ra các phương án khắc phục phù hợp nhất. Tăng cường kiểm soát, bổ sung điều chỉnh các thủ tục; thường xuyên phối hợp Ban quản lý dự án, chắp nối với chính quyền địa phương để nhận được sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo các vấn đề liên quan giúp cho các dự án điện trên địa bàn về đích đúng tiến độ. Cần đánh giá lại đề án cũ đã đưa ra cho lưới điện trung hạ thế giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó có sự nâng cấp, điều chỉnh phù hợp, thực hiện hoàn thành việc xóa bỏ các trạm trung gian còn lại trong năm 2025; triển khai mô hình và từng bước áp dụng đưa lưới điện thông minh đáp ứng đủ điều kiện và tính hiệu quả mang lại vào công tác quản lý vận hành.
Phát huy truyền thống của một đơn vị có bề dày lịch sử với nhiều thành tích vẻ vang, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp tục tăng cường đoàn kết, nêu cao quyết tâm, chung sức đồng lòng đảm bảo tập trung nguồn lực, trí tuệ để thực hiện hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, sự kỳ vọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.