Trí tuệ Dầu khí Việt Nam ghi dấu ấn trong 45 năm xây dựng và phát triển VPISau 45 năm xây dựng và phát triển, VPI đã trở thành tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí. VPI đã có những nghiên cứu khoa học công nghệ và tư vấn có giá trị, là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp dầu khí và tư vấn cho Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn môi trường và quản lý dầu khí.
Từ năm 2008, trước những đòi hỏi của thực tế, đặc biệt là nhu cầu phải có sự đột phá trong công tác quản lý khoa học công nghệ nhằm giải phóng sức sáng tạo và định hướng tới một tương lai khi hình thành thị trường khoa học công nghệ thực thụ, VPI đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập. Bước chuyển này đã tạo sự thay đổi về chất, gắn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ dầu khí.
Mô hình này là rất mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đã tạo ra áp lực nhất định về doanh thu, việc làm, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu có tính chiến lược lâu dài... Tuy nhiên, VPI đã mạnh dạn thay đổi tư duy, để xây dựng và triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt, với phương châm vừa làm vừa tiến hành sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, vừa tích cực thực hiện sự chuyển đổi, vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu VPI SP do VPI nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, VPI đã tập trung tìm kiếm thăm dò dầu khí truyền thống/phi truyền thống; nghiên cứu làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng và trữ lượng dầu khí của các bể trầm tích; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp điều hành khai thác, nâng cao hệ số thu hồi dầu, quản lý khai thác mỏ an toàn, hiệu quả.
Từ các nghiên cứu mang tính điều tra cơ bản, VPI đã xây dựng được cơ sở dữ liệu khoa học tin cậy về tiềm năng và trữ lượng dầu khí trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, phục vụ việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên môi trường biển của Nhà nước một cách khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh quốc phòng.
“Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam - Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) - phân hệ Hydrogen Bên cạnh việc triển khai các nghiên cứu để phát triển 5 lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam, VPI đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu các vấn đề cấp thiết đặt ra đối với sự phát triển của ngành Dầu khí để thích ứng với xu thế chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng như: Xây dựng nền tảng sáng tạo sản phẩm số; xây dựng hệ sinh thái Oilgas AI sử dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) và các thuật toán học máy (Machine Learning - ML) để tổng hợp, biểu diễn và phân tích dữ liệu chuyên sâu trong lĩnh vực dầu khí, với các sản phẩm như dầu thô, xăng dầu, LPG, và khí tự nhiên; đào tạo, phát triển kỹ năng ứng dụng các dịch vụ AI có sẵn... VPI đã nghiên cứu đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng trong công nghiệp dầu khí như: chế biến khí giàu CO2, hydrogen, điện gió ngoài khơi, thu hồi lưu trữ và sử dụng carbon (CCS/CCUS)…
Với định hướng chiến lược xây dựng và phát triển thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là trọng tâm ưu tiên trong chính sách phát triển; để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành “đòn bẩy” để tạo ra sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh mới cho Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
VPI phối hợp với Chương trình Phát triển Luật Thương mại (CLDP) thuộc Bộ Thương mại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy các dự án thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon (CCS/CCUS) tại Việt Nam Những đòi hỏi này càng trở nên cấp bách khi khoa học công nghệ cần phải đi trước một bước, kết hợp hợp lý giữa nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tính bền vững và khả thi nhất trong chiến lược phát triển, đồng thời tạo ra sự đột phá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về định hướng hình thành và phát triển hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết, VPI đã và đang xây dựng nhóm nền tảng sáng tạo sản phẩm số/vật lý (thấu hiểu doanh nghiệp, chuyên gia, phân tích dữ liệu, thí nghiệm) và nhóm chuyên sáng tạo sản phẩm số/vật lý trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm: công nghệ tìm kiếm tiên tiến; tiềm năng và trữ lượng; hỗ trợ quản lý và tối ưu khai thác; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS); hydrogen/ammonia xanh…
Bên cạnh đó, VPI cũng đang xây dựng “Hệ thống quản lý và chia sẻ tri thức dầu khí Việt Nam - Vietnam Petroleum Insights” (VPInsights) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, nghiên cứu và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc (insights) về dầu khí, hệ thống đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời với giao diện người dùng thân thiện bằng ngôn ngữ tự nhiên giúp hỏi đáp, truy cập và phân tích thông tin nhanh chóng. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng các tiến bộ mới nhất của trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới như: mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), AI tạo sinh (Generative AI) để tổng hợp tri thức và kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia dầu khí của VPI trong 45 năm qua cũng như của ngành Dầu khí Việt Nam trong hơn 60 năm lịch sử, cùng với lượng lớn dữ liệu và tri thức dầu khí thế giới. VPInsights sẽ giúp các chuyên gia của VPI/Petrovietnam cũng như các đối tác trong và ngoài nước cùng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm số và cộng tác, đóng góp trên hệ sinh thái chung về tri thức dầu khí - hỗ trợ việc dự báo tình hình và hoạch định giải pháp kịp thời, hiệu quả trong bối cảnh ngành năng lượng thế giới biến động không ngừng.
Nhóm tác giả VPI được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp Bằng sáng chế Với bề dày truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, với niềm tự hào của đơn vị Anh hùng Lao động, VPI cho biết sẽ tập trung nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ dầu khí, hội tụ trí tuệ thế giới, tạo giá trị gia tăng về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam, giúp Petrovietnam phát triển bền vững và phát triển năng lực cạnh tranh thông qua tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, đột phá trong ứng dụng và sáng tạo tài sản trí tuệ.
Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, VPI được Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp Bằng sáng chế số 011318454B1 cho sáng chế “Phương pháp và hệ thống làm mới xúc tác FCC thải sử dụng quá trình ngâm chiết acid kết hợp đun hồi lưu” (Method and system for renewing spent fluid catalytic cracking (SFCC) catalysts using acid leaching and acid reflux activities); được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp 6 Bằng độc quyền sáng chế và 11 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích…
Theo Petrotimes.