Ứng dụng công nghệ đồng đốt: Cơ hội thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam
Thứ sáu, 08/09/2023 - 08:10
Áp dụng công nghệ đồng đốt sinh khối trong các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam có thể giảm đáng kể lượng khí thải CO2 đồng thời giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đô la.
Bài toán tìm nguồn nguyên liệu thay thế than
Xu hướng chuyển dịch năng lượng đã, đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới theo hướng đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng xanh và chú trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Ở Việt Nam, năng lượng sinh khối là một trong những nguồn năng lượng xanh có thể khai thác dễ dàng, tận dụng được tài nguyên sẵn có từ các phế phẩm của ngành nông - lâm - nghiệp như bã mía, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, vỏ dừa, mùn cưa1…
Trong khuôn khổ dự án BEM, các chuyên gia thảo luận về ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam (Nguồn GIZ)
Qua phân tích các đặc thù và ưu thế của Việt Nam, ông Christoph Kwintkiewicz - tư vấn của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ khuyến cáo, Việt Nam nên sử dụng nguồn viên nén gỗ cho các nhà máy điện than và đồng đốt thay than để giảm CO2.
“Nếu thay thế 10% lượng than nhập khẩu hàng năm (tương đương với 4.000 triệu tấn) bằng nguồn sinh khối địa phương, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Christoph Kwintkiewicz cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Việt Nam hiện đứng thứ 2, sau Hoa Kỳ về chế biến và xuất khẩu viên nén gỗ. Đây là cơ hội đối với việc ứng dụng công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện thay vì xuất khẩu.
Công nghệ đồng đốt và những lợi ích tiềm năng
Theo Báo cáo tóm tắt về “Nghiên cứu công nghệ đồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện than để xác định tiềm năng và cơ hội chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào thay thế cho than”, do dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam” (BEM) của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ thực hiện, tổng sản lượng sinh khối tiềm năng của Việt Nam vào khoảng 104,4 triệu tấn/năm. Tiềm năng trên tương đương với 47% lượng điện than của Việt Nam trong năm 2020 và lượng phát thải CO2 tương ứng. Cùng đó, đồng đốt trực tiếp với tỷ lệ phối trộn sinh khối dưới 10% (tính theo nhiệt lượng cấp vào của than) được đánh giá là công nghệ phù hợp nhất để áp dụng trong các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam, do vốn đầu tư thấp và ít can thiệp chỉnh sửa vào hệ thống lò hơi hiện có.
Áp dụng đồng đốt sinh khối với than đá tại các nhà máy nhiệt điện là phù hợp với định hướng chiến lược năng lượng của Việt Nam (Nguồn GIZ)
Cũng theo báo cáo trên, năm 2015, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đã thực hiện thí nghiệm đồng đốt than Việt Nam và than Indo chất lượng thấp. Kết quả cho thấy việc phối trộn than Á bitum của Indonesia với than Antraxit của Việt Nam đã hạn chế được đặc tính kém của than trong nước (như giảm lượng tro xỉ), qua đó tăng hiệu suất đốt từ 1% đến 5% và giảm lượng than tiêu thụ. Năm 2019, nhà máy tiếp tục triển khai thử nghiệm đồng đốt viên nén gỗ ở các tỷ lệ phối trộn khác nhau (15% và 20% với than). Tuy nhiên, do lượng viên nén gỗ thử nghiệm không nhiều (chỉ khoảng vài chục tấn) nên thời gian thử nghiệm chỉ diễn ra trong vài ngày. Mặc dù kết quả ghi nhận là khả quan, nhưng các chuyên gia của dự án BEM cho rằng cần kiểm chứng trong thời gian chạy thử dài hơn.
Áp dụng đồng đốt sinh khối với than đá tại các nhà máy nhiệt điện là phù hợp với định hướng chiến lược năng lượng của Việt Nam (Nguồn GIZ)
Ông Nguyễn Đức Minh - Cố vấn Năng lượng của dự án BEM chia sẻ về giá trị của công nghệ đồng đốt: “Áp dụng đồng đốt sinh khối với than đá tại các nhà máy nhiệt điện là phù hợp với định hướng chiến lược năng lượng của Việt Nam, với mục tiêu loại bỏ dần than đá hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Net Zero năm 2050. Đây cũng là cơ hội tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sinh khối trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than đá, tạo chuỗi giá trị sản xuất và công ăn việc làm trong lĩnh vực sinh khối tại Việt Nam”.
Biến cơ hội thành chiến lược hành động
Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 coi phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn phục vụ sản xuất điện là một trong những trọng tâm được ưu tiên. Tuy nhiên, với tỷ trọng nhiệt điện than vẫn chiếm đáng kể (30,8% tới năm 2025) và đóng vai trò là nguồn cung cấp điện chính, có thể thấy, công nghệ đồng đốt cần được khai thác sớm trên diện rộng để giúp giảm CO2 của các nhà máy nhiệt điện.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (Nguồn GIZ)
Các nghiên cứu của dự án BEM ở trên chỉ ra, để khai thác hiệu quả các lợi thế tiềm năng của công nghệ đồng đốt thì cần có các biện pháp và chính sách cấp bách nhằm khắc phục và giải quyết những vấn đề về kỹ thuật, lưu trữ và vận chuyển.
Trong đó, cần có một hệ thống kết nối hài hòa tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo tính bền vững của các nguồn sinh khối chất lượng cao trong dài hạn. Tiếp đến, Chính phủ cần có thêm các nghiên cứu sâu, các chương trình phát triển cũng như công nhận tiềm năng và các tác động của đồng đốt sinh khối đối với giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, cần nêu cụ thể phương pháp này trong quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo và khung chính sách tổng thể, lý tưởng nhất là dưới hình thức trợ giá và miễn thuế.
Phòng vận hành tại nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (Nguồn GIZ)
Dự án BEM do GIZ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện, và được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).
Ông Nguyễn Đức Minh cho biết, trong thời gian tới, GIZ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình như: Thúc đẩy chuyển dịch trong ngành năng lượng Việt Nam (TEV), Chuyển dịch năng lượng công bằng cho các vùng than (JET), nghiên cứu về hydrogen, đồng đốt ammonia, nghiên cứu khả thi tiếp theo về đồng đốt sinh khối tại một số nhà máy nhiệt điện cụ thể. “Tất cả các dự án này là nhằm có thêm nhiều giải pháp năng lượng xanh cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam”, ông Minh nói.
Theo Vietnamnet