[In trang]
Chuẩn bị về pháp lý, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Thứ sáu, 21/04/2023 - 14:46
Đó là 1 trong những nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 của Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi. Cùng với việc siết chặt kỷ cương trong công tác lập quy hoạch điện, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách điều hành giá các mặt hàng năng lượng...

Chuẩn bị về pháp lý, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than… chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch năng lượng quốc gia theo Luật Quy hoạch, gồm: Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia;
Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách điều hành giá các mặt hàng năng lượng (điện, than, xăng dầu) trong nước theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế và có mức lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năng lượng.
Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện, các chính sách về phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện, đảm bảo cân đối về cung - cầu điện, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, tin cậy và hiệu quả.
Đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện là 121-146GW; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp chiếm 15 - 20%.
Đáng chú ý, tại Đề án này, Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo thiết kế đã được phê duyệt; hoàn thành các công tác chuẩn bị về pháp lý, cơ sở hạ tầng, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025; nghiên cứu và thực hiện tách bạch hoạt động phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh) nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực điện lực.
Bộ Công Thương yêu cầu phải tiếp tục cải cách giá bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm; tách bạch rõ chi phí cho các hạng mục hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng và trình ban hành Khung giá phát điện; rà soát, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, công tác giao nhận tài sản các công trình điện.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Theo Pháp luật và Xã hội