[In trang]
Chọn hướng xử lý rác thải kết hợp phát điện
Thứ năm, 20/06/2024 - 09:32
Quảng Ngãi đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện tại Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.
Hiện nay, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi... Vì vậy, nhiều địa phương trong cả nước đã áp dụng công nghệ đốt rác phát điện và mang lại hiệu quả nhất định.
Cả nước hiện có 15 nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện đang được triển khai xây dựng, trong đó đã có 3 nhà máy chính thức phát điện. Để học hỏi kinh nghiệm xử lý rác thải theo công nghệ này, vào tháng 5/2024 đơn vị đề xuất đầu tư đã tổ chức các đoàn với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh cùng đại diện người dân xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) tham quan Nhà máy Điện rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế) và Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ. Đây là các nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền và Đoàn công tác của tỉnh tham quan Văn phòng điều hành Nhà máy Điện rác Phú Sơn (Thừa Thiên Huế). Ảnh: VŨ YẾN
Nhà máy Xử lý chất thải rắn phát điện Cần Thơ có diện tích 5,3ha được đặt tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) bắt đầu tiếp nhận và xử lý rác từ tháng 10/2018. Trung bình mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận khoảng 515 tấn rác, quá trình đốt rác tạo ra gần 179 triệu kWh điện và hòa vào lưới điện quốc gia.
Trong khi đó, Nhà máy Điện rác Phú Sơn được xây dựng từ cuối năm 2021 trên diện tích khoảng 11,2ha tại TX.Hương Thủy (Thừa Thiên Huế), với tổng vốn đầu tư hơn 1.694 tỷ đồng. Đến tháng 1/2024, nhà máy bắt đầu hoạt động thử nghiệm và xử lý khoảng hơn 500 tấn rác/ngày (chiếm gần 90% lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế) bằng công nghệ đốt phát điện thay cho công nghệ chôn lấp với công suất phát điện 10,5MW theo hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại các nhà máy này, nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, tro xỉ được sàng lọc và sử dụng làm vật liệu xây dựng, tro bay được xử lý hóa rắn an toàn.
Được tham quan các nhà máy có công nghệ xử lý rác hiện đại, ông Ngô Văn Xuân, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) không khỏi bất ngờ khi thấy nhà máy có khuôn viên sạch sẽ, không có mùi hôi. “Trước đây, người dân cứ nghe đến nhà máy rác là nghĩ đến chôn lấp và hôi thối. Nhưng khi đến tham quan nhà máy điện rác, tôi được thấy tận mắt công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý rác khép kín, an toàn và sạch sẽ. Tôi rất mong tỉnh ta sớm xây dựng một nhà máy xử lý rác hiện đại như thế này để đảm bảo môi trường, người dân sống gần nhà máy cũng an tâm hơn”, ông Xuân chia sẻ.
Dự án Nhà máy xử lý rác kết hợp phát điện dự kiến xây dựng tại thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), trên diện tích hơn 16,5ha, thuộc quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất được phê duyệt trong Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2023.
ƯU TIÊN CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện là hết sức cần thiết, nhằm giải quyết vấn đề xử lý rác thải dài hạn trên địa bàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo các quy định pháp luật. Trong đó, việc lựa chọn công nghệ xử lý là tiêu chí hàng đầu. Vì vậy, trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư phải đưa ra tiêu chí công nghệ của nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện tại Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong phải bằng hoặc hơn các nhà máy mà tỉnh đã tham quan, học tập.
Dự án này do liên danh Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi và Công ty CP Tổng Công ty Đầu tư Hợp Nghĩa đề xuất. Mục tiêu dự án là xử lý 700 tấn chất thải/ngày, công suất phát điện lên lưới khoảng 15MW. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, dự án đang được nhà đầu tư hoàn thiện một số hồ sơ, thủ tục liên quan và đề xuất cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo Báo Quảng Ngãi điện tử.