Chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo của HaUI có gì khác biệt?
Thứ bảy, 06/07/2024 - 14:47
Khác biệt lớn nhất của Chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo (HaUI) là được thiết kế theo chuẩn ABET, thiết kế theo hướng ứng dụng, SV tiếp cận công nghệ mới.
Năng lượng tái tạo là lĩnh vực ngày càng được khai thác phổ biến trong hệ thống năng lượng toàn cầu; có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế gắn với tận dụng nguồn năng lượng sạch, an toàn. Theo dự kiến, năng lượng tái tạo sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong hai thập niên tới, sau đó thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040.
Nắm bắt xu thế này, năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) mở chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo.
Thiết kế theo hướng ứng dụng, chuẩn ABET, sinh viên tiếp cận công nghệ mới hiện đại
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Ninh Văn Nam - Trưởng chương trình Năng lượng tái tạo (Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã có một số chia sẻ liên quan.
Theo đó, chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xuất phát từ thực tiễn như sau:
Một là, phát triển năng lượng tái tạo: Về tầm quan trọng, năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường trên cả thế giới và tại Việt Nam. Trên thế giới, năm 2040, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30%, một số khu vực các nước châu Âu, tỉ lệ này có thể lên tới 60%. Tại Việt Nam, theo Quy hoạch điện VIII hiện ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030 và tăng lên 67,5-71,5% đến năm 2050.
Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero) được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã triển khai nhiều hành động, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực cho chuyển dịch năng lượng tái tạo:
Sự chuyển dịch năng lượng và việc phát triển nguồn nhân lực có mối quan hệ rất mật thiết và phụ thuộc với nhau, việc phát triển năng lượng nói chung và chuyển dịch năng lượng tái tạo nói riêng luôn gắn với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Sự phát triển mạnh mẽ về năng lượng tái tạo dẫn đến cơ hội việc làm cho sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo sẽ vẫn rất lớn.
Hiện nay, trên thế giới nhu cầu nhân lực việc làm cho năng lượng tái tạo là rất lớn, cơ hội việc làm cho những sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo là rất cao. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế về lộ trình toàn cầu tương thích 1,5°C cho thấy ngành năng lượng tái tạo đang sở hữu tiềm năng tạo việc làm vô cùng to lớn.
Dự kiến đến năm 2030, ngành này sẽ tạo ra 38 triệu việc làm mới, con số này sẽ tiếp tục tăng lên 43 triệu vào năm 2050, gấp đôi so với mức dự báo theo các chính sách và cam kết hiện tại.
Tại Việt Nam, với quyết định tăng tỉ phần năng lượng tái tạo từ 10,7% lên 30% trong Quy hoạch điện VIII, chính phủ đã mở đường cho gần 1 triệu việc làm/năm được tạo ra từ ngành điện đến năm 2030. Trong đó nổi bật là điện gió và năng lượng mặt trời, với khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao.
Giờ thực hành của sinh viên trong chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo. Ảnh: NTCC.
“Tại Việt Nam có khoảng 460 trường đại học và cao đẳng, nhưng những trường tham gia đào tạo nhân lực chuyên sâu cho lĩnh vực năng lượng tái tạo còn rất ít. Do đó, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực năng lượng về cả số lượng và chất lượng. Nên cơ hội việc làm cho lĩnh vực này là rất cao” - Tiến sĩ Ninh Văn Nam cho biết.
Chia sẻ về điểm mạnh của chương trình Năng lượng tái tạo được xây dựng tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, thầy Nam chỉ ra: “Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, hầu hết các thầy cô tham gia giảng dạy Chương trình đều có kinh nghiệm thực tế về thiết kế, triển khai các dự án về năng lượng tái tạo.
Điểm khác biệt lớn nhất so với cơ sở giáo dục đào tạo khác là chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo thiết kế theo chuẩn của Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ của Mỹ (ABET), chương trình đào tạo thiết kế theo hướng ứng dụng, sinh viên tiếp cận công nghệ mới hiện đại.
Trong chương trình đào tạo, tỉ lệ số giờ thực hành chiếm từ 30% đến 35% tổng số giờ của kiến thức chuyên môn, trong đó, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp có thời gian tối thiểu là 2 tháng.
Sinh viên được thực hành ngay tại trường với trang bị hiện đại gắn liền với thực tế và thường xuyên được tham quan, thực tập tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.
Trao đổi về nhu cầu nhân lực ngành này, ông Nguyễn Như Thức - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư HACOM HOLDINGS cho biết, các năm tới, năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, do Việt Nam có tiềm năng rất lớn về 2 nguồn năng lượng này. Hiện nay, nhân lực về lĩnh vực này tại Việt Nam còn thiếu. Ngoài công việc lập dự án, thiết kế, lắp đặt, vận hành hệ thống năng lượng tái tạo thì việc bảo dưỡng hệ thống này cũng rất cần nhân lực năng lượng tái tạo.
“Chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo của Khoa Điện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thiết kế theo hướng ứng dụng, sinh viên tiếp cận công nghệ mới hiện đại. Nội dung chương trình có tính cập nhật rất cao, có tính liên ngành.
Sinh viên sau khi học xong Chương trình Năng lượng tái tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hoàn toàn đáp ứng được công việc thiết kế, vận hành, lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống kỹ thuật điện và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các em cần khả năng ngoại ngữ tốt để có thể làm với các tập đoàn và công ty nước ngoài” - ông Nguyễn Như Thức bày tỏ.
Mức lương thường cao hơn so với một số ngành kỹ thuật khác
Theo Trưởng chương trình Năng lượng tái tạo (HaUI), việc đào tạo đối với lĩnh vực này hiện nay đang đứng trước những thuận lợi và khó khăn riêng.
Về thuận lợi, Tiến sĩ Ninh Văn Nam cho biết: “Xu hướng chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Sự cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero) với thế giới. Cả nước, các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm và chú trọng cho sự phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng phát triển, từ đó, nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm là rất lớn khi sinh viên tốt nghiệp.
Đặc biệt, đến năm 2023, chỉ có thêm 6 trường mở ngành này với chỉ tiêu từ 50-100 sinh viên mỗi trường. Con số này chưa tương xứng với tiềm lực và định hướng của ngành năng lượng tái tạo trong tương lai, nhất là khi Việt Nam đang chuyển đổi hiệu quả ngành điện, từ việc thay thế năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch. Ước tính, việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than với các hệ thống pin mặt trời và tua-bin gió tạo ra thêm hàng nghìn lao động mỗi năm, trong đó, rất cần các sinh viên được đào tạo chuyên sâu về năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, mức lương của sinh viên học chương trình đào tạo năng lượng tái tạo sau khi tốt nghiệp thường cao hơn so với một số ngành kỹ thuật khác”.
Về cơ hội việc làm, chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo có nhiều vị trí công việc, như: sản xuất, quản lý dự án, kinh tế năng lượng, tư vấn, phát triển dự án, vận hành… Đặc biệt, có cơ hội làm việc với các tập đoàn năng lượng lớn của nước ngoài…, nên học chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo mang đến nhu cầu việc làm lớn, mức lương hấp dẫn, có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai. Mức lương dao động cho ngành này từ 10 đến trên 30 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào trình độ và số năm kinh nghiệm làm việc.
Đặc biệt, mô hình Doanh nghiệp trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đang triển khai hiệu quả, ngay từ năm thứ 3, sinh viên đã được các doanh nghiệp đến tuyển dụng nhận làm và cung cấp một phần kinh phí cho sinh viên học tập và sinh hoạt, góp phần tạo nên lợi thế cho sinh viên khi học chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thầy Nam cũng chỉ ra một số khó khăn, cụ thể: “Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, tài chính và kỹ thuật.
Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới, nên hạ tầng của ngành tại Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào công nghệ các nước tiên tiến như Trung Quốc, các nước châu Âu. Sự thiếu chủ động trong thiết lập trang thiết bị có thể gây áp lực lên các kỹ sư năng lượng tái tạo mới ra trường, đòi hỏi họ nhiều thời gian hơn để học việc và thành thạo những công nghệ cao.
Ngoài ra, rào cản ngoại ngữ, văn hóa, và tác phong làm việc cũng có thể là yếu tố trở ngại khi nhân lực năng lượng tái tạo tại Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế”.
Mong muốn doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo
Những khó khăn trong thực tiễn, Tiến sĩ Ninh Văn Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực này, cần lưu ý một số điểm: Cải tiến chương trình đào tạo và mở mới chương trình đạo tạo đáp ứng nhu cầu xã hội luôn được Đảng ủy, Ban giám hiệu quan tâm hàng đầu. Nhà trường có đội ngũ có chuyên môn cao đáp ứng tốt công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho chương trình đào tạo năng lượng tái tạo, có nhiều thầy, cô trình độ tiến sĩ, phó giáo sư trong đào tạo năng lượng tái tạo.
Cơ sở vật chất của nhà trường rất tốt cho công tác đào tạo, theo hướng ứng dụng, sinh viên có điều kiện học tập với thiết bị thực hành hiện đại nắm bắt thực tế ngay từ trong trường.
Năng lượng tái tạo là chương trình đào tạo trong ngành Kỹ thuật Điện nói chung. Tại đây, các sinh viên sẽ được đảm bảo cung cấp kiến thức nền đầy đủ về ngành Kỹ thuật Điện nói chung bên cạnh những hiểu biết chuyên sâu về năng lượng tái tạo. Các em sinh viên ra trường nếu không tiếp tục chuyên sâu lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn có thể làm việc trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện
Là chương trình đào tạo mới, các tài liệu học tập cũng còn chưa nhiều, trang thiết bị mặc dù hiện đại nhưng chưa bắt kịp so với công nghệ thay đổi liên tục của năng lượng tái tạo.
Ông Hoàng Văn Hùng - Quản đốc Công ty cổ phần thiết bị điện MBT đánh giá: “Những năm vừa qua, Công ty sản xuất nhiều máy biến áp cho năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hàng năm, công ty luôn thông báo tuyển sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện và có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ là một lợi thế rất lớn”.
Chị Nguyễn Thị Việt Hồng - Kỹ sư quy trình sản xuất tại Công ty Hitachi Energy Việt Nam, cựu Sinh viên K13 của Khoa Điện - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử, nhưng hiện tại, tôi đang làm về lĩnh vực năng lượng tái tạo với các dự án điện mặt trời, điện gió.
Ban đầu cũng gặp một số khó khăn, nhưng do có kiến thức đào tạo về kỹ thuật điện nên sau một thời gian học hỏi, tìm hiểu, hiện tại tôi đã có thể đảm nhiệm rất tốt công việc của mình về thiết kế dự án điện gió và điện mặt trời.
Bây giờ, nhà trường có chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo, sẽ rất hữu ích cho các em sinh viên được đào tạo ngay từ trong nhà trường để sau khi tốt nghiệp có thể làm được luôn mà không phải mất thêm một thời gian như bản thân tôi trước đây”.
Để phát huy những thế mạnh, thuận lợi trong đào tạo Năng lượng tái tạo, Tiến sĩ Ninh Văn Nam chia sẻ: “Hằng năm, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyển sinh và các hình thức tư vấn tuyển sinh đến người học. Xây dựng phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Đồng thời, thiết kế chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, sinh viên tốt nghiệp đáp ứng luôn được công việc, tăng cường cơ sở vật chất đặc biệt là các phòng thực hành cho ngành này.
Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông tới học sinh biết được cơ hội việc làm của ngành này sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, xây dựng mỗi quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, tham quan, thực tập, tuyển dụng… để nâng cao chất lượng và khép kín quá trình đào tạo”.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo trong thời gian tới, Tiến sĩ Ninh Văn Nam đề cập một số kiến nghị: “Đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại hơn để tiếp cận với công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến hiện nay, có thể thông qua hình thức xã hội hóa hoặc tài trợ từ doanh nghiệp.
Gửi giảng viên, cán bộ giảng dạy chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo sang các nước tiên tiến để tham gia khóa học ngắn hạn, nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm vận hành chương trình, kinh nghiệm triển khai dự án thực tế.
Bổ sung hệ thống học liệu về lĩnh vực năng lượng tái tạo tại thư viện phục vụ cho giảng viên, sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tham gia sâu hơn và các hoạt động chung của Khoa Điện, để thấy được vai trò chung sức trong đào tạo nhân lực cho chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo”.
Năm 2024 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xét tuyển vào chương trình Năng lượng tái tạo theo 5 phương thức:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế;
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024;
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học trung học phổ thông;
Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thực tế mà các thông tin truyền thống đã nêu, Kế hoạch xây dựng tuyển sinh của nhà trường bài bản, hy vọng năm 2024, công tác tuyển sinh chương trình này đạt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo năm nay là 50.
Phương thức 2: Xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế;
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024;
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học trung học phổ thông;
Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thực tế mà các thông tin truyền thống đã nêu, Kế hoạch xây dựng tuyển sinh của nhà trường bài bản, hy vọng năm 2024, công tác tuyển sinh chương trình này đạt chỉ tiêu đề ra. Chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo Năng lượng tái tạo năm nay là 50.
Theo Báo Giáo dục