Mục tiêu mới của châu Âu về giảm phát thải
Thứ sáu, 02/08/2024 - 21:37
Mục tiêu của Liên minh châu Âu trong thời gian tới là nỗ lực áp dụng các giải pháp nhằm giảm mức phát thải tại các tòa nhà công cộng và dân sinh, góp phần hoàn thành mục tiêu trung hòa các-bon đến năm 2050.
Tại châu Âu, theo tính toán các tòa nhà cao ốc, văn phòng công sở và công trình nhà ở có mức phát thải tương đương 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của khu vực. Mục tiêu của Liên minh châu Âu trong thời gian tới là nỗ lực áp dụng các giải pháp nhằm giảm mức phát thải tại các tòa nhà công cộng và dân sinh, góp phần hoàn thành mục tiêu trung hòa các-bon đến năm 2050.
Theo số liệu thống kê, cho đến nay 2/3 nguồn năng lượng dùng cho các hệ thống sưởi và làm mát trong các tòa nhà ở các quốc gia châu Âu đến từ nhiên liệu truyền thống, chủ yếu là dầu và khí tự nhiên.
Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho hệ thống sưởi ấm và làm mát là định hướng chính sách quan trọng. Đây là một trong những biện pháp mà Liên minh châu Âu khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét khả năng triển khai. Sử dụng điện hoàn toàn trong các tòa nhà và công trình dân sinh được cho là sẽ góp phần giảm phát thải hiệu quả.
Theo đánh giá sơ bộ, hiện nay tại châu Âu, 75% số lượng các công trình tòa nhà công cộng và dân sinh quản lý năng lượng kém hiệu quả và sự thay đổi là cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ và hoàn thành các mục tiêu về năng lượng và môi trường như đã đề ra.
Trong bối cảnh ấy, một số quốc gia Châu Âu đang xem xét khuyến khích chủ các tòa nhà, công trình để điều chỉnh, cải tổ nhằm mục tiêu đến năm 2050 tất cả các công trình hiện có và được xây mới sẽ tuân thủ các quy chuẩn về phát thải.
Giảm tiêu thụ năng lượng và tăng sử dụng năng lượng tái tạo trong các công trình nói chung là biện pháp cần thiết giúp các quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tiết kiệm ngân sách nhập khẩu năng lượng và nhiên liệu, củng cố an ninh và ổn định cung ứng năng lượng.
Căn cứ khuyến nghị của Liên minh châu Âu, các nước thành viên cần xây dựng kế hoạch quốc gia nhằm cải tạo và nâng cấp các tòa nhà, công trình công cộng và dân sinh. Mỗi nước cần có chính sách và các giải pháp riêng, phù hợp với điều kiện thực tế ở nước mình nhằm giảm dần và tiến tới dừng hoàn toàn tiêu thụ nhiên liệu truyền thống và thô sơ tại các công trình công cộng, nhà ở tập trung…
Những chính sách và giải pháp cần dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc và rõ ràng, đồng thời ban hành các quy định, quy chuẩn về chủng loại thiết bị và nhiên liệu được phép lắp đặt và sử dụng tại các công trình, cũng như mức tiêu thụ năng lượng cần tuân thủ...
Liên minh châu Âu đánh giá cao vai trò của năng lượng mặt trời trong việc góp phần chuyển đổi năng lượng cho các công trình xây dựng, tòa nhà công cộng và dân sinh trong thời gian tới do sẵn có tiềm năng, có thể chủ động trong quá trình sử dụng, đem lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Việt Phương
(Nguồn: https://www.energiaysociedad.es
https://www.ree.es/en
https://es.wikipedia.org/wiki/Energia)
https://www.ree.es/en
https://es.wikipedia.org/wiki/Energia)