'Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu'! (Bài 4): Kinh tế xanh: Thanh Hóa đồng hành
Thứ hai, 12/08/2024 - 16:30
Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững là 3 nhiệm vụ chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đề ra tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đây còn là những giải pháp hàng đầu, kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào giữa thế kỷ 21. Mặc dù còn nhiều khó khăn về công nghệ, tài chính nhưng Thanh Hóa đã và đang có những hành động để đồng hành hướng tới mục tiêu này.
Phòng điều hành hệ thống thu hồi nhiệt dư Nhà máy Xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn).
Từ những “mô hình” kinh tế xanh
Trở lại với Công ty Xi măng Long Sơn, ngoài việc tham gia hiệu quả chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), điều chỉnh phụ tải điện (DR) với những giải pháp tiết kiệm điện tối ưu, nhờ đã lắp đặt đồng bộ hệ thống thu hồi nhiệt dư, mỗi năm Nhà máy Xi măng Long Sơn còn tự sản xuất được 260 triệu kWh điện. Lượng điện này đáp ứng được tới hơn 40% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy. Ước tính, mỗi năm, doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được từ 300 - 400 tỷ đồng từ tiền điện.
Theo Giám đốc sản xuất Trương Văn Lợi, hệ thống thu hồi nhiệt dư này hiện có công suất là 35MW và hoạt động theo cơ chế như sau: Hệ thống SP thu nhiệt ở phía sau của tháp trao đổi nhiệt, hệ thống AQC thu nhiệt từ phía lò nung clinker và làm nguội clinker... để phát điện. Lượng điện này, nhà máy cho hòa vào trạm cấp điện 110kV, sau đó cấp trở lại cho nhà máy.
“Nếu nhiệt dư này không có hệ thống thu hồi để tận dụng phát điện thì sẽ phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm, làm cho không khí nóng lên và gia tăng hiệu ứng nhà kính do phát thải CO2. Việc tận dụng nguồn nhiệt dư để phát điện không những giúp DN chủ động được nguồn điện, nhất là trong những thời điểm nắng nóng cao điểm, góp phần giảm tải cho ngành điện mà còn là “điểm cộng” lớn trong tiêu chí sản xuất xanh”, Giám đốc sản xuất Trương Văn Lợi cho biết thêm.
Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), cùng với quá trình nâng cấp dây chuyền ép mía, từ năm 2012 đến nay, Lasuco đã lắp đặt hệ thống phát điện từ bã mía với công nghệ turbine đối áp và turbine trích ngưng hơi trung áp và cao áp. Với công suất 33,5MW, ngoài việc giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ nhà máy đường, khi vào cao điểm vụ ép, nhà máy không chỉ chủ động được nguồn điện mà có tới 50% sản lượng điện còn lại được bán lên lưới điện quốc gia thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Lê Quang Mây, Giám đốc Nhà máy điện sinh khối, Lasuco cho biết: “Điển hình như năm tài chính vừa qua (từ tháng 7/2023-7/2024), nhà máy điện sinh khối đã sản xuất được gần 49,4 triệu KWh điện. Ngoài đáp ứng nhu cầu diện tự dùng cho nhà máy trong mùa sản xuất, Lasuco đã bán lên lưới quốc gia hơn 19,3 triệu KWh”.
Được biết, với việc phát điện thân thiện với môi trường, Lasuco đã được giao dịch tín dụng carbon vào năm 2012 với mức giá 7,8 Euro (9 USD) cho mỗi tấn CO2 theo cơ chế phát triển sạch. Với giao dịch tín dụng này, từ năm 2012-2020, mỗi năm giúp Lasuco có thêm thu nhập khoảng 430.000 USD, tương đương 10 tỷ đồng mỗi năm.
Sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại và năng lượng sạch, sản phẩm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã chinh phục nhiều thị trường khó tính.
Bên cạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty Xi măng Long Sơn, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, hiện nay nhiều DN khác, mà nhất là các nhà máy may trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm chủ động nguồn điện sản xuất, góp phần giảm áp lực cho hệ thống lưới điện quốc gia, như Công ty TNHH Huệ Anh (thị xã Bỉm Sơn), Công ty TNHH May mặc Hoàng Tùng (Nông Cống)...
Điển hình như tại Công ty TNHH 888 (xã Quảng Hợp, Quảng Xương), năm 2020, DN đã đầu tư 8 tỷ đồng lắp đặt công trình điện mặt trời áp mái công suất 750KWp tại phân xưởng số 2. Vào thời điểm mùa hè, hệ thống đáp ứng tới 80 - 90% nhu cầu sử dụng điện tại nhà máy và đạt 40 - 50% vào mùa đông. Theo ông Lê Văn Bắc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH 888, theo tính toán, hệ thống sẽ thu hồi vốn sau khoảng 7 năm, trong khi công trình sử dụng với tuổi thọ khoảng 20-25 năm. Quan trọng hơn, việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng giúp công ty dần tiệm cận được tiêu chí sản xuất xanh - một tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được chú trọng bởi các khách hàng khó tính trên thế giới như Mỹ, EU.
Đến những kế hoạch bài bản
Trên thế giới hiện nay, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, sạch vào sản xuất công nghiệp, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học và máy móc kỹ thuật mới, thân thiện với môi trường. DN sẽ được đánh giá cao khi được đánh giá là DN xanh, với quy trình sản xuất tiêu tốn ít năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu phát thải.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn đang được sự quan tâm của 5 nhóm nhà đầu tư đến từ trong nước và quốc tế. Theo các chuyên gia kinh tế, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải carbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, bảo đảm nguồn cung cấp không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG còn được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn.
Đặc biệt hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia các Hiệp định tự do thế hệ mới (FTAs), ngoài được “hưởng lợi” từ lộ trình giảm thuế thì các “rào cản” phi thuế quan như cam kết về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch và phát thải thấp đang là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà DN Việt cần đáp ứng. Trước bối cảnh này, một số DN trong tỉnh cũng đã đi trước, đón đầu trong việc nghiên cứu, trang bị các tiêu chuẩn liên quan đến mục tiêu “giảm dấu chân carbon”, nâng cao khả năng cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.
Quay trở lại Công ty CP Mía đường Lam Sơn, hiện nay, nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản của Lasuco như: mía tươi hồng sâm, mía tươi vị tắc, mía tươi dứa, mía tươi đào, mía tươi cam sả... cùng các sản phẩm như: sữa gạo lứt, sữa đậu đỏ, sữa trái cây... đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản... Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm, DN đang tiếp tục nghiên cứu, hướng tới quy trình sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng hơn.
“Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn chất đốt, đồng thời gia tăng thêm thời gian hoạt động của nhà máy đường lên 9 - 10 tháng/năm bằng việc chủ động nguồn nguyên liệu từ bã mía, vỏ keo để tận dụng nhiệt dư phát điện sạch. Cùng với nghiên cứu đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm tiêu thụ điện lưới, hướng tới không phải mua điện lưới quốc gia, góp phần giảm phát thải nhà kính trong tương lai. Cùng với đó, chương trình giảm phát thải khí nhà kính của Lasuco hiện nay cũng đang tích cực triển khai. Ngoài tiến hành kiểm kê khí nhà kính đối với khối các đơn vị sản xuất và kinh doanh thuộc Lasuco, chúng tôi cũng đang triển khai dự án bù đắp carbon vùng mía đã được ghi nhớ hợp tác giữa 3 bên Lasuco - Sagri (đơn vị tự vấn Sigapore) - Idemitsu (đơn vị mua giảm phát thải của Nhật)”, Giám đốc Nhà máy điện sinh khối, Công ty CP Mía đường Lam Sơn Lê Quang Mây cho biết.
Lộ trình bài bản cho hành trình “kinh tế xanh”, ngày 18/10/2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3825/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030. Theo đó, thông qua nhóm nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức các khía cạnh của tăng trưởng xanh, như kinh tế tuần hoàn, lối sống xanh, sản xuất xanh và tiêu dùng xanh (ủng hộ sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái/năng lượng... sẽ kỳ vọng thay đổi hành vi về tăng cường tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu chất thải, rác thải nhựa và chống chịu với biến đổi khí hậu. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường là 23%; trong đó, mức giảm địa phương tự nguyện là 13%; 10% còn lại là mức giảm khi có hỗ trợ từ quốc gia và quốc tế.
Cùng với truyền thông về nhận thức, kế hoạch cũng đặt ra nhiều mục tiêu lớn và “giao” trọng trách cho ngành công thương trong tham mưu hoạch định phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, như: Quy định chế tài hằng năm đối với việc áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040. Thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh...
Hiện toàn tỉnh có 5 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 99,2MW; 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 57MW. sau khi các hệ thống điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động đã giúp giảm tải từ 0,5% đến 2,1% cho các đường dây 35KV, 22KV, 10KV và lưới điện hạ áp 0,4KV được đấu nối vào, góp phần giảm tải cho các trạm 110KV và các trạm biến áp phụ tải.
Theo Sở Công Thương, với lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó có định hướng “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”, UBND tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương quy hoạch và được phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) một số dự án năng lượng tái tạo mới, trong đó có 1 dự án điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1.500MW và 2 dự án điện gió. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt bổ sung một số dự án năng lượng tái tạo mới vào quy hoạch điện VIII như: Điện sinh khối Như Thanh (10MW), Nhà máy Điện rác Nghi Sơn (20MW), Nhà máy điện rác Thọ Xuân (12MW).
Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: "Hiện nay, Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn 1.500MW đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đang tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 9/2024. Đối với 2 dự án điện gió Bắc Phương - Nghi Sơn công suất 100MW và Dự án điện gió Mường Lát 200MW cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận cho lắp cột đo gió. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp để sớm lựa chọn nhà đầu tư các dự án này, đưa các nhà máy vào vận hành đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII".
Theo Báo Thanh Hoá