[In trang]
Doanh nghiệp ngành Công Thương: Chuyển đổi số là vấn đề “sống còn”
Thứ năm, 25/05/2023 - 08:37
"Hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những chuyển biến rất tích cực, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn”.
Đây là chia sẻ của ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Vai trò, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời.

Ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)
Không chỉ nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra những giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Công nghệ số giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản địa lý để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Đây là điều mà trước đây rất khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở những địa bàn khó khăn.
Như vậy, việc nhanh chóng đưa các công nghệ mới vào quá trình sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ có cơ hội để tiến nhanh về phía trước, tạo ra những bước phát triển đột phá. Tuy nhiên, tôi cho rằng quá trình chuyển đổi số không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nên nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi doanh nghiệp, là một cơ hội để các doanh nghiệp xem lại định hướng phát triển, đưa ra những kế hoạch để hiện thực hóa các mục tiêu.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Ông có thể cho biết đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành Công Thương hiện nay?
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng như: Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… với trọng tâm chính là thúc đẩy quá trình ứng dụng các công nghệ 4.0 và thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Đây là yếu tố tiền đề và điều kiện thuận lợi tiên quyết để các doanh nghiệp hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ cùng xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, tác động từ đại dịch Covid-19, nhìn từ phương diện tích cực chính là việc đẩy nhanh quá trình đưa công nghệ số vào thực tiễn.

Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được doanh nghiệp ngành Công Thương triển khai một cách mạnh mẽ
Qua làm việc với các doanh nghiệp ngành Công Thương trong thời gian qua, chúng tôi thấy rằng hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính "sống còn" để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực nội tại. Từ đó, tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng. Các doanh nghiệp đang tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.
Điển hình như, trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc năm 2022 với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên. Trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đang tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa. Ngành dầu khí đang thực hiện chuyển đổi số ở tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên.
Trong lĩnh công nghệ thực phẩm, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cũng là một điển hình với hệ thống 24 nhà máy sản xuất có công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001…
Không chỉ ở các doanh nghiệp lớn, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số cũng đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang lại hiệu quả tích cực, đồng thời mang đến diện mạo, năng lực mới cho các doanh nghiệp.
Tôi tin rằng, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhìn nhận được những cơ hội cũng như những lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại. Tuy nhiên, để tận dụng được hay nói cách khác, để trở thành một nhà máy thông minh, một doanh nghiệp số sẽ cần một hành trình dài với quyết tâm của doanh nghiệp cũng như vai trò đòn bẩy, hỗ trợ từ phía nhà nước.

Phát triển nhà máy số là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương trong phát triển một nền sản xuất hiện đại trong tương lai. Xin ông chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ cụ thể của Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?
Phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng. Để làm được điều này, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai nội dung này. Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về sản xuất thông minh trong các lĩnh vực cơ khí, nhựa, điện tử, bia, logistics. Các nội dung này đã được chúng tôi triển khai lồng ghép trong những chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia cùng với sự tham gia của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ được xây dựng và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt đều đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi hy vọng kết quả từ những mô hình cụ thể trong giai đoạn vừa qua, cùng hoạt động triển khai trong thời gian tới sẽ được đánh giá, nhân rộng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có thế mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030. Thiết kế nội dung của Đề án sẽ tập trung cụ thể hóa những hoạt động hỗ trợ cũng như việc xây dựng năng lực, hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp ngành Công Thương. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là đòn bẩy, cú huých quan trọng để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Công Thương