Ngành điện lực nỗ lực đưa ánh sáng lên vùng caoNỗ lực không ngơi nghỉ
Giữa tháng 11/2023, có 160 hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản vùng cao Pá Nó, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bắt đầu được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trước khi điện lưới tỏa sáng bản Mường, chỉ nhà nào có điều kiện mới lắp điện năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ đủ thắp sáng. Do có tới 53 hộ nghèo, nên đời sống ở bản còn nhiều khó khăn.
Ông Vàng A Cu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pá Nó cho hay, điện lưới quốc gia về bản sẽ là động lực để bà con phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Không riêng bản Pá Nó, trong Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia trên địa bàn huyện Mai Sơn, có tới 39 bản thuộc 6 xã, với gần 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của huyện, như Tà Hộc, Nà Ớt, Chiềng Dong, Phiêng Pằn, Mường Chanh… cùng chung niềm vui có điện lưới quốc gia trong năm 2023.
Tới giữa tháng 11/2023, các đơn vị thi công đã hoàn thành xây dựng gần 50 km đường dây trung thế, gần 70 km đường dây hạ thế, 20 trạm biến áp và lắp đặt 1.584 công tơ cho các hộ gia đình.
Với thực tế hầu hết trong số 257 vị trí cột và đường dây trung thế đi qua những địa hình phức tạp, nhiều nơi không có đường ô tô, các đơn vị đã phải mở đường thi công mới và vận động bà con tham gia đóng góp hàng trăm ngày công hỗ trợ vận chuyển vật tư, thiết bị.
Nhưng cấp điện chỉ là bước đầu, Điện lực Khu vực Mai Sơn - Yên Châu, ngoài việc hằng tháng phải đi phát tuyến, bảo đảm an toàn hành lang lưới điện, kiểm tra trạm biến áp, hiện còn phải nhắc nhở bà con thực hiện các quy định về an toàn điện và hướng dẫn sử dụng các thiết bị điện mới được mua sắm.
Cũng như Mai Sơn, nhưng khu Hồ, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã hưởng hạnh phúc này sớm hơn. Cách đây 5 năm, điện còn là niềm mơ ước của đồng bào, nhờ có chương trình đưa điện về nông thôn, người dân nơi đây đã vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ở huyện miền núi Thanh Sơn, do địa bàn chia cắt, hiểm trở, đi lại rất khó khăn, nên việc phủ lưới điện quốc gia đến các khu dân cư vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành điện. Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020 do Tổng công ty Điện lực miền Bắc và tỉnh Phú Thọ triển khai đã góp phần đáng kể vào việc mang ánh sáng về với bản làng.
Từ ngày có điện lưới quốc gia, thầy và trò ở điểm lẻ trường mầm non và tiểu học khu Hồ có thể học tập qua Internet nhờ hệ thống máy tính. Nhờ đó, việc dạy và học ở đây cũng được nâng lên, chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ hơn.
Với người dân, nếu trước đây chưa có điện, không thể sử dụng máy móc, mà phải làm hoàn toàn thủ công, thì giờ có điện, họ có thể tiếp cận khoa học - kỹ thuật qua các thiết bị nghe nhìn, sử dụng điện trong sản xuất để nâng cao năng suất.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 4 về điện nông thôn đã không ngừng được các đơn vị quản lý các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa như Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và các công ty điện lực địa phương tập trung đầu tư với tiêu chí “điện luôn đi trước một bước”, từ đó đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn, ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Quang Lâm, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết, việc ngành điện tiếp nhận quản lý bán điện trực tiếp tới hộ dân và đầu tư phát triển điện nông thôn trong 10 năm qua đã thay đổi đáng kể tình hình cung cấp điện nông thôn.
Từ chỗ là tỉnh có tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện thấp, đến nay, 100% khu dân cư có điện và hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia là kết quả từ Chương trình Điện khí hóa nông thôn được Công ty Điện lực Phú Thọ triển khai trong nhiều năm nay.
Tại Hà Giang, tới đầu tháng 10/2023, có 190.319 hộ dân, trong đó có 177.394 hộ đã được sử dụng điện từ lưới điện quốc gia (đạt 93,2%), 4.904 hộ được sử dụng điện từ nguồn thủy điện mini (chiếm 2,58%), 517 hộ sử dụng năng lượng mặt trời (chiếm 0,272%), số còn lại 7.519 hộ dân chưa được sử dụng điện (chiếm 3,95%).
Với 112 thôn, bản chưa có điện, Hà Giang đặt mục tiêu đến 2025 không còn “vùng lõm” về điện, dù còn nhiều thách thức.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng EVNNPC cùng các công ty điện lực địa phương đang nỗ lực cao nhất để đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có nguồn điện ổn định, hay đầu tư nâng cấp và cải tạo lưới điện trung, hạ áp, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tổn thất điện năng.
Những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả cao ở các vùng quê, những lĩnh vực kinh doanh mới được mở ra, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân, giúp ly nông không ly hương cũng có phần nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của những người thợ điện, để dòng điện quốc gia luôn tỏa sáng nơi vùng sâu, vùng xa.
Theo Báo Đầu tư