Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn Tàu chở 70.000 tấn LNG nhập khẩu cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu
Sáng 10/7, tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) chở gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ cảng Bontang (Indonesia) đã cập Kho cảng LNG Thị Vải (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và tiến hành bơm LNG lên bồn chứa. Tập đoàn Năng lượng Quốc tế Shell - một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới - là nhà cung cấp chuyến hàng này.
Đây là chuyến tàu chở LNG nhập khẩu đầu tiên vào Việt Nam, sự kiện quan trọng đối với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
Theo PV GAS, nằm trong chiến lược phát triển thị trường khí, tháng 10/2019, đơn vị đã khởi công xây dựng Dự án Kho cảng LNG Thị Vải (tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu). Kho cảng có thể tiếp nhận tàu tải trọng lên tới 100.000 tấn, có bồn chứa 180.000m3 và hệ thống đường ống dài 6km. Công suất qua kho giai đoạn 1 của dự án là 1 triệu tấn LNG/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam.
Ả Rập Xê-út và Pháp nhất trí hợp tác sản xuất hydro
Ả Rập Xê-út và Pháp đã ký Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào năng lượng sạch được tạo ra từ các nguồn tài nguyên tái tạo. Trong tuyên bố chung, hai bên đã xác nhận rằng năng lượng là một trong những “trụ cột chính” trong quan hệ đối tác lâu dài giữa hai nước.
Ả Rập Xê-út và Pháp cũng đã nhất trí về lộ trình sản xuất hydro và điện từ các nguồn năng lượng tái tạo; hợp tác để cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng hạt nhân trong “khuôn khổ hòa bình và an toàn”; cùng tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để sản xuất hydro “một cách hiệu quả và cạnh tranh nhất” và thúc đẩy việc sử dụng hydro trong công nghiệp, phát điện và nhiều lĩnh vực khác.
Ả Rập Xê-út hiện đang phát triển một dự án hydro xanh trị giá 5 tỷ USD để cung cấp 650 tấn hydro phi carbon mỗi ngày. Dự án sẽ đi vào sản xuất từ năm 2026. Theo kế hoạch, hydro dưới dạng amoniac lỏng của dự án sẽ được xuất khẩu ra thị trường thế giới để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Argentina khánh thành đường ống dẫn khí quan trọng
Argentina ngày 9/7 đã khánh thành giai đoạn đầu tiên của đường ống sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên từ hệ tầng Vaca Muerta ở miền Tây Argentina đến tỉnh Santa Fe, qua tỉnh Buenos Aires. Đây là một động thái thiết yếu để đảo ngược thâm hụt năng lượng đáng kể của nước này.
Việc hoàn thành giai đoạn đầu tiên của đường ống này, bắt đầu từ tỉnh Neuquen và đến tỉnh Buenos Aires, sẽ bổ sung thêm 11 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Con số này sẽ tăng gấp đôi khi Argentina lắp đặt các nhà máy nén khí ở Tratayen, tỉnh Neuquen và ở Salliquelo, tỉnh Buenos Aires.
"Đường ống này là sự khởi đầu cho sự thay đổi trong ma trận kinh tế và năng lượng của Argentina", Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa cho biết tại buổi lễ khánh thành. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không nhập khẩu khí đốt bằng tàu nữa vì chúng tôi sẽ sử dụng khí đốt từ lòng đất của mình".
Algeria ký hợp đồng khí đốt mới với Total Energies
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 9/7, tập đoàn dầu khí nhà nước Sonatrach của Algeria đã ký các hợp đồng trị giá gần 740 triệu USD với tập đoàn năng lượng khổng lồ Total Energies của Pháp. Các hợp đồng liên quan đến việc khai thác 2 mỏ TFT (Tin Fouye-Tabankort) II và TFT South ở phía Đông Nam Algeria, cũng như các hợp đồng khí tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo.
Tuyên bố cho biết: “Hợp đồng TFT II cung cấp khoản đầu tư phát triển khoảng 332 triệu USD, cho phép khai thác 43 tỷ m3 khí đốt, 4,3 triệu tấn khí ngưng tụ và 5,7 triệu tấn khí hóa lỏng. Các khoản đầu tư phát triển của hợp đồng thứ hai, TFT South, ước tính trị giá 407 triệu USD, cho phép khai thác 11,5 tỷ m3 khí đốt, 1,3 triệu tấn khí ngưng tụ và 1,6 triệu tấn khí hóa lỏng".
Theo Sonatrach, "sản lượng kết hợp của hai vành đai TFT II và TFT South sẽ vượt 100.000 thùng dầu/ngày vào năm 2026, so với sản lượng hiện tại khoảng 60.000 thùng dầu/ngày". Các hợp đồng khí đốt tự nhiên nói trên mở rộng cam kết giữa hai bên, cho phép họ "củng cố quan hệ đối tác thương mại" và "đóng vai trò chính trong việc cung cấp khí đốt cho thị trường Pháp và châu Âu".
Tạp chí Petrotimes.