Nhà máy sản xuất điện từ rác thải của công ty Warsan ở Dubai. Ảnh: WarsanTại Dubai, gần như một nửa số rác bỏ đi đều góp phần cung cấp điện cho các hộ gia đình. Phần lớn rác tập kết ở nhà máy do công ty quản lý rác Warsan vận hành. Theo Tim Clarke, giám đốc điều hành công ty, khoảng 45% tổng số rác thải của Dubai được chuyển tới cơ sở này. Vận hành từ tháng 3 năm nay, nhà máy Warsan sẽ sử dụng 2 triệu tấn rác hàng năm để sản xuất điện, đủ để cung cấp cho khoảng 135.000 hộ gia đình, CNN hôm 17/5 đưa tin.
Đây là một nhà máy biến rác thải thành điện. Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 13% tổng số rác thải đô thị trên thế giới tập trung ở cơ sở như vậy. Phương pháp xử lý rác này đang được ứng dụng rộng rãi ở châu Âu và nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, sự khác biệt của nhà máy ở Dubai nằm ở quy mô. Warsan là nhà máy biến rác thải thành điện lớn nhất thế giới. "Chúng tôi vận hành với hiệu suất sản xuất điện ở mức khoảng 34%, cao hơn nhiều so với một nhà máy thông thường, một phần do chúng tôi có thể hoạt động ở nhiệt độ và áp suất lớn hơn", Clarke cho biết.
Quá trình biến đổi rác thành điện bao gồm 3 bước: đốt rác, sử dụng nhiệt để tạo ra hơi nước và dẫn hơi nước để chạy turbine phát điện. Quá trình đã được sử dụng hơn 100 năm qua, nhưng những cơ sở hiện đại kiểm soát tốt hơn chất gây ô nhiễm giải phóng khi đốt rác. Việc xử lý khí thải cho phép nhà máy lọc hợp chất độc hại và ngăn chúng xả vào không khí. Clarke giải thích họ bơm chất phản ứng vào lò để lọc tất cả yếu tố có hại như kim loại nặng, hợp chất lưu huỳnh và giữ lại các hạt để đổ bỏ.
Không phải mọi chất gây ô nhiễm đều có thể lọc hết. Ví dụ, carbon dioxide gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu được giải phóng vào không khí. Tuy nhiên, do nhà máy sản xuất điện, thay thế việc đốt nhiên liệu hóa thạch, công ty Warsan cho rằng kết quả chung khá tích cực. "Chúng tôi thải CO2 nhưng sản xuất 200 megawatt điện thay cho dùng nguồn nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, chúng tôi giúp giảm khoảng 1,5 tỷ tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm", Clarke nói.
Những cơ sở như nhà máy ở Dubai thực hiện thêm một số bước để tối đa hóa khai thác tài nguyên. Chẳng hạn, kim loại được tách riêng để tái chế. Núi tro sau khi đốt rác được thu thập và tái sử dụng trong xây dựng đường sá. Theo Clarke, trong số 5.500 tấn rác mà nhà máy nhận mỗi ngày, chỉ có 200 tấn cặn không thể tái sử dụng sau khi xử lý.
Nhà máy biến rác thải thành điện đóng vai trò thay thế bãi rác (chiếm khoảng 11% lượng khí thải methane toàn cầu). Nhưng một số tổ chức môi trường như Zero Waste Europe cho rằng đốt rác để sản xuất điện ảnh hưởng tới nỗ lực cắt giảm rác thải và động lực tăng cường tái chế. Năm ngoái, UAE tái chế 20% rác thải đã xử lý, nhưng hy vọng có thể tăng lên 90% vào năm 2050.
Theo VnExpress