Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề phát triển năng lượng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề xuất được cấp vốn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai dự án điện lưới ra Côn Đảo.
Dự án kéo điện cho Côn Đảo đã được Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư.Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, với sự phát triển tại Côn Đảo, ngành điện đã và đang tăng cường đầu tư nhiều tổ máy phát điện diesel tại Nhà máy điện An Hội để nâng cao khả năng cấp điện cho Côn Đảo.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thường xảy ra sự cố hư hỏng, các tổ máy phát điện vận hành thiếu linh hoạt, độ dự phòng thấp. Nguồn nhân lực để bảo trì sửa chữa và vật tư thiết bị thay thế tại chỗ không đáp ứng được mà phải di chuyển, vận chuyển từ đất liền ra đảo gặp rất nhiều khó khăn, bị động và không an toàn.
Do đó, việc triển khai nghiên cứu đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo là rất cần thiết và cấp bách.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo với tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, sau các trình tự thủ tục cấp vốn, bước giao vốn sẽ gặp khó khăn bởi không thể giao trực tiếp cho EVN - doanh nghiệp nhà nước. Nếu giao cho Bộ Công Thương thì Bộ cũng không thể giao vốn hàng năm cho EVN bởi EVN không phải đơn vị trực thuộc.
Vì vậy, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng địa phương đã có sự thống nhất nhưng do vướng các quy định pháp luật về sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Quản lý sử dụng tài sản công nên đến nay dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” và Bộ phải đưa ra 2 phương án khả thi nhất.
Phương án thứ nhất là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, giao EVN là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm thực hiện dự án; sau khi thực hiện xong thì bàn giao tài sản về cho EVN, lúc đó là tăng vốn nhà nước cho EVN.
Phương án thứ hai là Quốc hội ra một nghị quyết cho phép giao vốn cho Bộ Công Thương, Bộ Công Thương được giao hàng năm cho EVN để thực hiện…
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc cũng cho biết, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin đề nghị cấp vốn, sau khi có phương án cụ thể, EVN sẽ khẩn trương phấn đấu hoàn thành các kế hoạch, đến năm 2026 sẽ hoàn thành.
Trong thời gian từ nay đến đó, để đảm bảo kế hoạch phát triển điện cho Côn Đảo, EVN đã đầu tư thêm 6 MW là diesel và đang ở giai đoạn triển khai thực hiện; dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa thêm các tổ máy diesel bổ sung cho Côn Đảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, hiện các đảo Phú Quý, Cô Tô, Lý Sơn, Cù Lao Chàm đều đã triển khai xong việc cung cấp điện ổn định, chỉ còn Côn Đảo, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt là chưa có, cần phải được ưu tiên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải làm việc với Bộ Công thương và các cơ quan, chứng minh là phương án kéo điện là ưu tiên đầu tiên hay là điện gió, điện mặt trời, để khi đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ thống nhất ý kiến, kinh phí thì sẽ tìm cơ chế để giải quyết chia sẻ giữa EVN và đầu tư công. Còn cơ chế thì nhất trí người tham mưu phải là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu đã quyết việc kéo điện ra Côn Đảo thì triển khai càng sớm càng tốt.
Dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo với tổng mức đầu tư hơn 4000 tỷ đồng, trong đó 50% là vốn ngân sách và 50% là của EVN, đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định về chủ trương đầu tư ngày 16/6 vừa qua.
Theo đó, dự án cấp điện lưới ra Côn Đảo sẽ xây dựng mới đường dây 110 kV, 1 mạch, từ trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo. Dự án cũng mở rộng ngăn lộ đường dây 110 kV tại trạm biến áp 220 kV Vĩnh Châu và xây mới trạm biến áp 110/22 kV Côn Đảo.