Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ bảy, 20/04/2024 | 06:59 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Thông tin báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 3 nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho TP. Hồ Chí Minh

17/04/2023
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Như Báo Công Thương đã đưa tin, sáng 16/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế -xã hội của Thành phố.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong quý I/2023 kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng GRDP 0,7% là nỗ lực rất lớn. Dù vậy, dự báo tình hình thời gian tới sẽ còn rất khó khăn cả nhân tố bên ngoài và bên trong. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số nhóm kiến nghị, giải pháp để TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Trước hết, Bộ trưởng đề nghị TP. Hồ Chí Minh làm tốt công tác truyền thông để hệ thống chính trị và người dân hiểu đúng, hiểu rõ bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, thành phố để có sự chia sẻ, đồng hành. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và phải có cơ chế bảo vệ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện cơ chế của thành phố vẫn còn có nhiều chồng chéo, vướng mắc nên cần các cấp thẩm quyền có cơ chế đặc thù để giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị thành phố tập trung triển khai các chương trình dự án phục hồi, phát triển kinh tế như: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình khôi phục phát triển nguồn lao động để bảo đảm nguồn cung lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới; Cùng với đó là chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, chương trình kích cầu đầu tư tập trung triển khai các dự án trọng điểm, tạo những “cú huých” cho phát triển kinh tế của Thành phố; Cuối cùng là chương trình thúc đẩy thương mại điện tử và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề cập là tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cho tăng tốc phát triển kinh tế của thành phố, bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ lập và trình các quy hoạch Thành phố; Tập trung nguồn lực giải quyết các ách tắc về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội khi thành phố được hưởng các cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khả thi nhằm huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân cho đầu tư phát triển; Chủ động tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp để thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn vào đầu tư; Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp và điều chỉnh phân công không gian công nghệ của Thành phố theo hướng gắn đổi mới động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực chính để phát triển của thành phố; Tập trung phát triển các lĩnh vực, các công đoạn của ngành công nghiệp nền tảng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò trung tâm đầu mối các chuỗi liên kết trong phát triển công nghiệp, thương mại của cả nước. Tập trung củng cố phát huy phát triển vai trò là trung tâm tiêu dùng của cả nước nhằm khai thác lợi thế của vùng kinh tế lớn. Phát triển hai động lực tăng trưởng mới đó là thương mại điện tử và kinh tế ban đêm. Tận dụng hiệu quả các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng các sản phẩm xuất khẩu theo hướng gia tăng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao; tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo động lực cho phát triển xuất nhập khẩu.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Thành phố tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Tiếp tục đẩy mạnh đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động được nhiều hơn vốn đầu tư của khu vực tư nhân; Đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tạo cú huých cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là dự án lớn trên địa bàn, có khả năng đóng góp cho ngân sách Thành phố.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã giải đáp các kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh liên quan đến lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý. Theo đó, đối với kiến nghị xem xét, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, Bộ trưởng cho biết, kiến nghị này đã được tiếp thu, đã và đang được triển khai. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai từ tháng 5 năm 2022 và đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương… từ tháng 8/2022 và hiện đã lấy ý kiến lần 2; Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Văn bản để gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ dự kiến vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay.
Liên quan đến vấn đề điện mặt trời, Bộ trưởng ghi nhận đề xuất của thành phố, và cho biết vấn đề này cũng đã được đề cập trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù của Thành phố. Bộ Công Thương sẽ sớm triển khai thực hiện khi Nghị quyết này được thông qua.
Trước đó, báo cáo Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, kết quả phát triển kinh tế-xã hội quý I/2023 của thành phố chưa đạt như mong muốn, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh rất thấp (tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý I/2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ).
Cùng với đó, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm. Đặc biệt, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%)…
Từ những khó khăn này, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ nghiên cứu các động lực, cơ chế phát triển đột phá nhằm thực hiện đúng vai trò đầu tàu như Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định. Đồng thời, có cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà; chủ động quyết định giá cụ thể của sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với đánh giá của các đại biểu về các tồn tại, hạn chế, khó khăn của thành phố. Để tháo gỡ khó khăn cho thành phố, về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo, điều hành gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tích cực hỗ trợ Thành phố trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, mà trước hết là công tác quy hoạch. Xây dựng các giải pháp, tổ chức thực hiện để thúc đẩy hấp thụ vốn, tiếp cận vốn; các giải pháp giãn nợ, hoãn nợ, giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để thúc đẩy tăng trưởng trong cả tiêu dùng và sản xuất.
Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Theo Báo Công Thương.

Cùng chuyên mục

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hướng tới phát triển bền vững

19/04/2024

Ngày 19/4, trong khuôn khổ triển lãm Contech Vietnam 2024 và EL Vietnam đã diễn ra buổi hội thảo 'Tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh' do Hội Điện lực Việt Nam (VEEA) phối hợp với Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ quốc tế Hà Nội (HADIFA) tổ chức.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151