Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:39 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Tin thị trường điện

Định hướng xây dựng Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam

09/04/2020
Về mặt cơ chế vận hành, Đề án đã đề xuất các mô hình thị trường bán lẻ điện phù hợp với từng giai đoạn phát triển thị trường bán lẻ điện.
Phát triển thị trường điện cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ đã được quy định tại Luật Điện lực và Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là cấp độ phát triển cao nhất của lộ trình này.
Để chuẩn bị cho công tác triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được triển khai xây dựng từ đầu năm 2019. Mục tiêu hướng tới là đưa ra được mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu đặc thù của ngành điện Việt Nam. Theo đó, thị trường bán lẻ điện sẽ hướng tới việc cho phép khách hàng sử dụng điện lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện, đảm bảo giá bán lẻ điện minh bạch và phản ánh đúng chi phí; đồng thời cũng phải đáp ứng tiêu chí về đảm bảo cung cấp điện ổn định; đảm bảo phát triển ngành điện bền vững và thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực. Sau hơn một năm nghiên cứu, xây dựng, với sự tham gia đóng góp chuyên môn của các đơn vị điện lực, các Bộ/ngành có liên quan, nội dung Đề án đã được hoàn thiện. Trong đó, Đề án đã đánh giá các bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường bán lẻ, rà soát hiện trạng khâu kinh doanh bán lẻ điện hiện tại, từ đó đề xuất mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện và kế hoạch thực hiện.
Về mặt cơ chế vận hành, Đề án đã đề xuất các mô hình thị trường bán lẻ điện phù hợp với từng giai đoạn phát triển thị trường bán lẻ điện. Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên, sẽ cho phép các khách hàng sử dụng điện lớn được lựa chọn tham gia trực tiếp vào thị trường bán buôn điện để mua điện trên thị trường giao ngay; trong các giai đoạn tiếp theo khi đáp ứng đủ các điều kiện, sẽ cho phép các khách hàng sử dụng điện còn lại được quyền lựa chọn đơn vị bán lẻ điện và đàm phán hợp đồng mua bán điện. Khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành, điểm khác biệt chính so với hiện nay là khách hàng sử dụng điện có thể lựa chọn mua điện theo giá thị trường giao ngay hoặc theo giá thỏa thuận với đơn vị bán lẻ điện, thay vì chỉ được mua điện từ EVN theo biểu giá do nhà nước quy định. Điều này sẽ mở ra môi trường cạnh tranh trong khâu kinh doanh bán lẻ điện, tăng quyền lựa chọn của khách hàng sử dụng điện. Riêng đối với các khách hàng chưa (hoặc không) tham gia thị trường điện, sẽ mua điện từ 01 đơn vị bán lẻ điện mặc định theo biểu giá do nhà nước quy định.
Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi cơ bản cơ chế kinh doanh bán lẻ điện hiện tại, vì vậy để triển khai được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cần đảm bảo các điều kiện tiên quyết như cải cách giá bán lẻ điện hiện tại, hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tái cơ cấu ngành điện phù hợp với mô hình thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đảm bảo cho các hoạt động trong thị trường bán lẻ điện. Do vậy, việc phát triển thị trường bán lẻ điện cũng đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp. Theo kinh nghiệm tại các nước, thị trường bán lẻ cần được thực hiện theo từng bước, mở rộng dần cho từng đối tượng khách hàng trong một khoảng thời gian tương đối dài (tại Singapore cần khoảng 18 năm, tại Úc cũng cần khoảng 10 – 12 năm). Theo đó, Đề án đã đề xuất kế hoạch thực hiện trải dài từ năm 2020 đến sau năm 2025 với 04 giai đoạn; trong đó sẽ lần lượt vận hành thị trường bán lẻ điện theo mô hình 1, sau đó là mô hình 2. Đối tượng khách hàng tham gia thị trường bán lẻ điện cũng sẽ từng bước được mở rộng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tất cả các khách hàng đều được quyền lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện.
Hiện nay, Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã được Bộ Công Thương thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2020. Việc phê duyệt Đề án này là tiền đề quan trọng để triển khai các bước tiếp theo trong kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ điện.
Cục Điều tiết điện lực

Cùng chuyên mục

Khái quát về hệ thống điện Trung Quốc

22/03/2024

Trung Quốc có hệ thống điện quy mô lớn. Theo thống kê, tổng công suất toàn hệ thống năm 2023 là 2920 GW. Ước tính Trung Quốc tiêu thụ tương đương 30% tổng sản lượng điện toàn thế giới.

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151