Khẩn trương xây dựng cơ chế
Chủ trương xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định quy định về cơ chế DPPA) đã được đề cập tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được quy định tại Luật Điện lực. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu, khẩn trương xây dựng cơ chế chính sách mới về cơ chế DPPA theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đã được lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, rà soát kỹ lưỡng và ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Nghị định này cần được xây dựng theo tinh thần là làm khẩn trương, làm theo cơ chế rút gọn, nhưng cũng phải đúng theo quy định của pháp luật, không bỏ sót khâu nào trong quy trình mà chỉ cố gắng rút ngắn về mặt thời gian".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật trong quá trình xây dựng Nghị định. Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện
Được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp, Nghị định quy định cơ chế DPPA nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện, và kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tại hội nghị ngày 24/4/2024 lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế DPPA, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế này, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.
Hội thảo lấy ý kiến thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp ý kiến cho dự thảo. Nghị định số 80/2024/NĐ-CP giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu: Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; Hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Việc xây dựng Nghị định cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Nghị định bao gồm 5 Chương, 30 Điều và 5 Phụ lục:
- Chương I - Quy định chung bao gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5);
- Chương II - Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng bao gồm 03 điều (từ Điều 6 đến Điều 8);
- Chương III - Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia bao gồm 04 mục và 16 điều (từ Điều 9 đến Điều 24);
- Chương IV - Trình tự thực hiện và chế độ báo cáo bao gồm 04 điều (từ Điều 25 đến Điều 28);
- Chương V - Điều khoản thi hành bao gồm 02 điều (Điều 29 và 30);
- Phụ lục 1: Các nội dung chính của Hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay;
- Phụ lục 2: Các nội dung chính của Hợp đồng kỳ hạn;
- Phụ lục 3: Các nội dung chính của Hợp đồng mua bán điện giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng Công ty Điện lực;
- Phụ lục 4: Chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch tháng M;
- Phụ lục 5: Mẫu báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/7/2024. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến nội dung của Nghị định và sẽ đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân triển khai cơ chế này.
Cục Điều tiết điện lực