Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ năm, 03/10/2024 | 23:36 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Nghiên cứu đào tạo

Việt Nam có tiềm năng phát triển mô hình ESCO, cần một 'nhạc trưởng' điều phối

25/07/2024
Mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng (ESCO) Việt Nam còn non trẻ, quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm; khả năng tổ chức, quản lý thực hiện các dịch vụ tiết kiệm năng lượng, liên kết với các nhà thầu, cung cấp thiết bị và thu xếp tài chính để thực hiện dự án hiệu quả năng lượng còn nhiều hạn chế…

Mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng tại Việt Nam còn non trẻ. Ảnh minh họa.
Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam”, ngày 23/7 Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Hợp tác xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam”.
QUY MÔ NHỎ, THIẾU CƠ CHẾ PHÁP LÝ VÀ TÀI CHÍNH
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện trưởng, phụ trách điều hành Viện tin học doanh nghiệp, VCCI cho biết bên cạnh các hoạt động nâng cao nhận thức và kĩ năng áp dụng các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án là thúc đẩy phát triển bền vững mô hình kinh doanh dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Việt Nam, nhằm giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư và công nghệ kỹ thuật tân tiến.
Theo đại diện VCCI, hiện nay, việc phát triển mô hình ESCO tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Đó là thiếu cơ chế pháp lý và tài chính cụ thể; đa dạng khách hàng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn đa dạng theo nhu cầu của khách hàng; thiếu mạng lưới kết nối giữa các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức,… gây ảnh hưởng đến việc phát triển và ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với từng nhu cầu riêng biệt của doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá về hiện trạng ESCO tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), cho biết theo số liệu điều tra, khảo sát của VECEA, Việt Nam hiện có trên 200 tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng.
Có 3 loại hình tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng, gồm: Tổ chức công lập; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài (chưa có số liệu thống kê).
Trong đó, tổ chức công lập (gồm các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học…) tham gia vào lĩnh vực dịch vụ tiết kiệm năng lượng khá đa dạng, bao gồm: các dịch vụ kiểm toán năng lượng, đào tạo, truyền thông, tư vấn giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp… phần lớn không tham gia dịch vụ về tài chính, đầu tư thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Doanh nghiệp nhà nước (các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam…) thực hiện các dự án ESCO thí điểm như: đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời quy mô hộ gia đình và công nghiệp, các dự án chiếu sáng tiết kiệm năng lượng…, lợi nhuận chia sẻ theo thỏa thuận hoặc cung cấp năng lượng dài hạn theo hình thức mua bán tiện ích.
Còn loại hình doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng có phạm vi khá rộng, bao phủ hầu hết các lĩnh vực như tư vấn, đầu tư, thu xếp tài chính, chia sẻ lợi nhuận, chia sẻ rủi ro... Nhiều doanh nghiệp đã tư vấn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, cung cấp thiết bị, lò hơi hiệu suất cao….; tập trung vào các lĩnh vực dễ đầu tư, thu hồi vốn nhanh và ít phức tạp về cả về kỹ thuật lắp đặt, vận hành đặc biệt là phương pháp tính toán mức tiết kiệm và thu hồi vốn.
“Trừ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mua bán năng lượng (bán hơi, điện/nước nóng năng lượng mặt trời), nhìn chung ESCO Việt Nam còn non trẻ, quy mô nhỏ, ít kinh nghiệm; khả năng tổ chức, quản lý thực hiện các dịch vụ tiết kiệm năng lượng, liên kết với các nhà thầu, cung cấp thiết bị và thu xếp tài chính để thực hiện dự án hiệu quả năng lượng còn nhiều hạn chế…”, ông Hiệp nhận định.
Mặt khác, Việt Nam hiện còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể cho việc phát triển và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO, chưa có quy định thanh toán, chi trả cho dịch vụ ESCO khi có sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước; chưa có quy định về kiểm tra, giám sát mức tiết kiệm năng lượng của bên thứ ba, cũng như giải quyết tranh chấp hợp đồng và các vấn đề nảy sinh giữa ESCO và doanh nghiệp.
CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LUẬT CHO ESCO
Theo ông Hiệp, Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển thị trường ESCO, bởi đây thực sự là thị trường tiềm năng. Do năng lực nội tại tốt; sẵn có vốn để tạo dựng ESCO; có thị trường hỗ trợ cho công nghệ hiệu quả năng lượng; có mối quan hệ tốt với ngành công nghiệp; lịch sử trả nợ ngân hàng – khách hàng tốt.
Bên cạnh đó, có nhóm khách hàng tiềm năng: khách hàng có thể có năng lực, có con người nhưng không có thời gian, ESCO có thể cung cấp nguồn lực nếu cần.
Hơn nữa, khách hàng thường có kiến thức hạn chế về các công nghệ tiết kiệm năng lượng, trong khi ESCO có chuyên môn trong việc giới thiệu và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.
Không chỉ vậy, hiện nay khách hàng ít ưu tiên đầu tư vốn vào tiết kiệm năng lượng. Họ không sẵn lòng sử dụng năng lực tín dụng của mình để đầu tư cho tiết kiệm năng lượng so với các hoạt động kinh doanh cốt lõi khác.
Để phát triển thị trường ESCO, ông Hiệp khuyến nghị cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp hoạt động ESCO. Bao gồm: chi tiết các quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh (đầu tư thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng, cho thuê hạ tầng, cung cấp năng lương, thu xếp vốn, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn...).
Đồng thời, xây dựng cơ chế tài chính bền vững như vay lãi suất thấp, gây quỹ, và quỹ bảo lãnh; thiết lập các kênh hợp tác với các tổ chức tài trợ và các quỹ. Xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - Công ty ESCO và các tổ chức tín dụng.
“Chính phủ nên khuyến khích áp dụng các mô hình kinh doanh đơn giản, phù hợp với điều kiện thị trường của nước mình để phát triển các dự án ESCO trong khu vực công”, ông Hiệp đề xuất.
Ngoài ra, theo đại diện VECEA, chúng ta cần trao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức tư vấn, dịch vụ tiết kiệm năng lượng tại địa phương; xây dựng cơ chế phân bổ nguồn lực từ các quỹ đầu tư cho các tổ chức tư vấn/dịch vụ để đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng.
Xây dựng các Chương trình công nhận hoặc Chứng nhận chính thức cho ESCO giúp nâng cao uy tín ESCO với các cơ quan nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch dự án hiệu quả năng lượng, quá trình thực hiện phải minh bạch và không tạo ra rào cản nào đối với thị trường dịch vụ hiệu quả năng lượng.
Ông Hiệp đặc biệt nhấn mạnh đến phương án thành lập Hiệp hội ESCO vào thời điểm thích hợp, có thể được xem xét để thực hiện vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ESCO.
Đồng tình, ông Nguyễn Trung Thực cho rằng việc thúc đẩy thành lập một Hiệp hội ESCO là rất quan trọng, cung cấp một diễn đàn hữu hiệu cho các ESCO tại Việt Nam phát triển các ý tưởng, mô hình, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp trong những ngành sử dụng năng lượng lớn như công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp hỗ trợ.
Theo Vneconomy  

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151