Khu công nghiệp Thăng Long (Vĩnh Phúc) lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái thân thiện với môi trường. (Ảnh HOÀNG SƠN)
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 là một bước ngoặt, định hướng tăng cường đầu tư và áp dụng các hình thức huy động nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ quan điểm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 55-NQ/TW, Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đặt mục tiêu ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Theo đó, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung sẽ đạt khoảng 30-39% vào năm 2030 và thậm chí là 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam.
Đáng chú ý, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định phát triển công nghệ năng lượng là 1 trong 10 định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ giai đoạn tới, trong đó “Nghiên cứu ứng dụng, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu…”.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp nhiều tổ chức quốc tế tổ chức các chương trình về công nghệ năng lượng. Qua đó, phổ biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu; trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong giai đoạn tới; đồng thời, cung cấp thông tin về xu hướng phát triển công nghệ mới trong ngành năng lượng trên thế giới, các khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, nhất là giải pháp công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, góp phần đáp ứng tốt các cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai các chương trình, đề án cấp quốc gia tập trung vào ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường như: Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (KC05); Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều nhiệm vụ khác.
Những nỗ lực này không chỉ hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sạch, xanh và bền vững, Việt Nam cũng đang dần khẳng định vị thế, trách nhiệm của mình trong việc phát triển năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân đến từ một số rào cản chính như: Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…
Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, song trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.
Ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí hóa lỏng tại Việt Nam.
Cùng với đó, cần xem xét phát triển điện hạt nhân là một biện pháp trong chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ năng lượng sạch và hiệu quả bao gồm công nghệ lưu trữ năng lượng và lưới điện thông minh; áp dụng các chính sách thuế, trợ giá và các cơ chế khuyến khích khác để thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, các dạng năng lượng sạch khác; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Theo các chuyên gia, có bốn yếu tố cốt lõi để chuyển dịch năng lượng thành công là: Công nghệ, nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường và chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ. Nhấn mạnh tới vấn đề công nghệ, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực của chuyển dịch năng lượng, đổi mới sáng tạo diễn ra không ngừng bên cạnh việc phát triển công nghệ lõi. Do đó, cần thúc đẩy đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Báo Sóc Trăng