Ngày 31/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long có buổi tiếp và làm việc với ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Khung cảnh buổi làm việc
Đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp tổng thể của Việt Nam để thực hiện mục tiêu Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII), Đại sứ Olivier Brochet cho biết Pháp sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu hydrogen, năng lượng hạt nhân...).
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet
Đặc biệt, Pháp cũng ủng hộ Việt Nam trong quá trình triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khuyến khích các doanh nghiệp, cũng như sẽ trao đổi với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long bày tỏ sự vui mừng khi Pháp quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Chia sẻ về kết quả của cuộc họp triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố chính trị về việc thiết lập JETP diễn ra ngày 26/7, Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã có đề xuất lập ra 6 nhóm công tác cho 6 mục tiêu: (1) Hoàn thiện khung chính sách pháp lý về điện gió ngoài khơi; (2) Thành lập khu công nghiệp điện gió ngoài khơi với 2 dự án thí điểm; (3) Phát triển hệ thống tích trữ năng lượng; (4) Phát triển lưới điện thông minh, hệ thống quản lý điện thông minh; (5) Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho điện gió ngoài khơi; (6) Tập trung vào các giải pháp chuyển đổi than.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long
Cụ thể, dự án đào tạo nguồn nhân lực có 2 thành phần. Một là, trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi có vai trò nghiên cứu, đào tạo về xây dựng chính sách. Hai là, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lao động cho ngành điện gió ngoài khơi, gồm kỹ sư, thợ lành nghề, nhân viên bảo dưỡng, hiện đang được đặt tại một số trường đại học trên cả nước.
Với những tiềm năng hiện có cũng như nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý của Việt Nam đối với hai phương án thí điểm điện gió ngoài khơi hiện vẫn còn đang vướng nhiều cơ chế pháp luật, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam cả về chuyên môn lẫn nguồn vốn. Thứ trưởng đề xuất mở ra các khóa đào tạo về điện gió ngoài khơi tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thuộc khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp, cũng như phía Pháp sẽ gửi các chuyên gia về ngành này tới Việt Nam để hỗ trợ nghiên cứu.
Theo Tạp chí Công Thương