Bộ Công Thương - Cục điều tiết điện lực

Thứ tư, 17/04/2024 | 00:53 GMT +7

  • facebook | 024.221.47474

Phát triển năng lượng

Đồng thuận, kỷ cương và thắp sáng trí tuệ tập thể

27/04/2023
Tin vui đến với người lao động dầu khí, cũng như đồng bào cả nước, vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NĐTB 2) đã hoàn thành trên quê lúa Thái Bình - “quê hương Năm tấn” thời chống Mỹ, cứu nước.
Đây là nhà máy nhiệt điện có nhiều điểm đặc biệt. Đó là một nhà máy có tổng công suất lên tới 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp hơn 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và châu thổ sông Hồng nói chung.
Nhưng, điều đặc biệt nhất là ở sự vươn lên với ý chí và bản lĩnh mạnh mẽ. Người ta biết đến một nhà máy từng suýt bị đưa vào diện theo dõi vì “đắp chiếu”, là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương. Có thời gian dài cái tên Nhiệt điện Thái Bình 2 gợi liên tưởng về sự trì trệ, bế tắc, khó trăm nỗi, mà khó nhất là những vấn đề liên quan đến pháp lý. Không khí trong đơn vị căng thẳng nhất là trong hai năm 2017 - 2018, hàng chục đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra Chính phủ liên tục “hỏi thăm”. Mỗi đợt như vậy lại có những kết luận khác nhau, kèm theo cảnh báo và khuyến nghị. Có thời điểm hơn hàng chục cán bộ, chuyên gia có tay nghề cao, có kinh nghiệm hàng chục năm công tác tại dự án viết đơn xin nghỉ việc.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Lại thêm khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử; việc cung cấp nhân lực, vật tư... bị đình trệ, ách tắc. Rồi giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, phát sinh các chi phí. “Đau” nhất là một số hạng mục đã xây dựng, lắp đặt được hơn 90%, nhưng không thể hoàn thiện, do thiếu kinh phí, thiết bị. Những ngày đó, Ban quản lý dự án như ngồi trên đống lửa.
Năm 2011, dự án được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018. Thế nhưng, tiến độ bị đình hoãn nhiều lần vì sai phạm. Các đoàn cán bộ, phóng viên báo chí khi đi khảo sát thực địa về, được hỏi về tiến độ, về triển vọng, lối ra, đều trả lời bằng cái lắc đầu ngán ngẩm.
Phép màu nào đã cứu một con đò sắp đắm? Hoặc câu hỏi hơi sách vở một chút: cách gì làm mới lại niềm hi vọng trong mỗi người? Điều này đã và còn tiếp tục được suy xét thấu đáo để trả lời cho chuẩn xác. Nhưng hôm nay, trong ngày vui chuẩn bị khánh thành nhà máy, chúng tôi chỉ xin nhắc lại những dấu mốc tiến độ quan trọng và những kinh nghiệm bước đầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 năm 2022
Đó là dấu mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu các Tổ máy số 1 và Tổ máy số 2. Đây không chỉ là dấu mốc tiến độ quan trọng, mà còn là nhiệm vụ chính trị, là “trận đánh mở màn” trong một chiến dịch lớn. Muốn thực hiện thành công việc đốt lửa một tổ máy 600 MW, phải thực hiện và kiểm soát tốt toàn bộ các hệ thống từ thiết bị chính đến thiết bị phụ trợ. Đốt lửa chính là đã khẳng định chất lượng máy móc, thiết bị, mức độ an toàn khi vận hành. Hơn thế, nó còn thắp lên ngọn lửa niềm tin trong lòng đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công nhân viên ở đây. Dấu mốc ấy những người xây dựng nhà máy không bao giờ quên, ngày 23/2/2022, hoàn thành đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1 và sáu tháng sau, ngày 27/8/2022, Tổ máy 2 tiếp tục thực hiện thành công.
Sức mạnh tinh thần nào đã giúp cho Dự án NĐTB 2 từ nguy cơ thảm bại đã đứng dậy và tỏa sáng? Sức mạnh ấy được khái quát trong phương châm hành động của tập thể đơn vị: “Một đội ngũ, một mục tiêu”. Một đội ngũ đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo. Một mục tiêu vượt khó vươn lên, giành thắng lợi toàn diện. Phương châm đó cô đúc trong Nghị quyết liên tịch Đảng ủy - HĐTV - Tổng Giám đốc Petrovietnam số 6356: “Tập thể Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và Ban Tổng Giám đốc Petrovietnam thống nhất ý chí, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất các nguồn lực của toàn Tập đoàn, quyết tâm thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất”.
Khi đã có nghị quyết thì phải tìm những giải pháp để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. Lãnh đạo Tập đoàn đã xây dựng các giải pháp, cơ chế để thực hiện và hoàn thành dự án. Huy động nhân sự có chất lượng cao, các nguồn lực từ Công ty Mẹ đến các đơn vị thành viên để tăng cường năng lực cho Ban điều hành dự án NMNĐ Thái Bình 2. Ban chỉ đạo đặc biệt về Dự án cũng được thành lập để quyết định hoặc đề xuất các giải pháp cấp bách theo thẩm quyền, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác Tập đoàn kiểm tra hệ thống cảng nhận than NMNĐ Thái Bình 2 tháng 3/2023
Đưa nghị quyết vào cuộc sống. Một vấn đề cốt lõi để biến chủ trương thành hiện thực. Điều này Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta đã chỉ rõ trong “Các đột phá chiến lược”: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”. Trong chỉ đạo xây dựng Nhà máy NĐTB 2 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm này. Đương nhiên, trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương và lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Các đồng chí lãnh đạo đã nhiều lần trực tiếp xuống làm việc tại nhà máy, chỉ đạo, xử lý nóng các vướng mắc về cơ chế, chính sách để dự án được khơi thông. Nhiều cán bộ trên công trường còn nhớ cái bắt tay ấm áp của Thủ tướng, giọng nói trầm ấm, ân tình của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Việc cũ gác lại, việc mới thì phải quyết tâm làm và làm bằng được”; và “Tôi sẽ sát cánh cùng các đồng chí, không để các đồng chí làm một mình, chịu trách nhiệm một mình”.
Một trong những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng nhà máy chính là nguồn vốn rất khó khăn. Lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo, việc xử lý các dự án thực hiện theo đúng nguyên tắc: tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. “Tự chịu trách nhiệm” sao đây?
Vay vốn ở đâu?
Lãi suất huy động thế nào, có an toàn không?
Đó là những câu hỏi cân não. Còn nhớ tại một cuộc họp vào tháng 7/2019, lãnh đạo cấp cao Petrovietnam quả quyết: “Nếu không có tiền thì đóng cửa dự án. Tôi sẽ ký trả dự án, chấp nhận kỷ luật. Không vay được thì phải bỏ tiền túi ra làm, hoặc đi vay chỗ khác, cơ cấu tài chính thì chúng tôi sẽ tự thu xếp”. Đó cũng là tiếng nói, là quyết tâm chung của lãnh đạo Tập đoàn, không né tránh, không xin ý kiến vòng vo, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng, cùng các lãnh đạo Tập đoàn, Ban QLDA chứng kiến Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2 thành công đốt lửa lần đầu
Thành công của Dự án nhà máy NĐTB 2 còn được ghi nhận từ ý thức kỷ luật, nếp sống văn hóa kết tụ bao năm của người dầu khí; từ những kinh nghiệm quý báu của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ lành nghề. Có thời kỳ cao điểm, hằng tuần Petrovietnam đều trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình, kết quả triển khai, thi công Dự án, những khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh, không để ảnh hưởng đến tiến độ, bởi tiến độ là mệnh lệnh, là thước đo năng lực, là lời hứa trước Đảng, trước nhân dân. Lần nào đến kiểm tra Dự án, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng dặn dò kỹ lưỡng: Rà soát kỹ tính đồng bộ của từng hạng mục tại Nhà máy; rà soát lại toàn bộ các hạng mục phụ trợ trước khi nghiệm thu vận hành; rà soát lại toàn bộ các hạng mục vật tư tiêu hao, vật tư thay thế trong quá trình vận hành, mua sắm đầy đủ vật tư giai đoạn vận hành thương mại; xây dựng các phương án chi tiết xử lý các sự cố trong vận hành, sản xuất điện ...
Khi xảy ra sự cố trong quá trình chạy thử nghiệm Tổ máy số 1, các kỹ sư, thợ vận hành tại Dự án đều bình tĩnh khắc phục. Việc “chẩn đúng bệnh và điều trị đúng” là do các anh đã tích lũy kinh nghiệm qua nhiều nhà máy điện lớn, từ Cà Mau 1-2, đến Nhơn Trạch 1-2, rồi Vũng Áng 1… Cuối năm 2022, những con số vui dồn dập báo về: nào là tiến độ tổng thể của dự án NĐTB 2 đã đạt hơn 92%; nào là công tác mua sắm hoàn thành hơn 97%; nào là thi công xây lắp đã xong gần 94%... Những con số ấy đưa đến một kết quả cuối cùng - đưa Nhà máy vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia.
Ngày vui ấy đã đến. Gương mặt những người thợ Nhiệt điện nơi đây bừng sáng. Nhưng ánh mắt, nụ cười nói lên bao điều. Rằng, không một khó khăn, trở ngại nào có thể ngáng trở khi tập thể cán bộ, đảng viên, những người lao động trung thành, đoàn kết, sáng tạo, hết lòng vì việc chung, xây dựng những công trình thế kỷ, đem nguồn sáng về cho đất nước. Sau niềm vui, cao hơn vinh dự là trách nhiệm. Với người lao động dầu khí, vinh dự là bông hoa cài trước ngực, trách nhiệm là gánh nặng trên vai.
Ai đó đã nói rất hay về triết lý người thợ xây dựng những công trình điện: Sức mạnh trong mọi hành động của chúng tôi là đồng thuận và thắp sáng trí tuệ tập thể./.
Theo Petrotimes.

Cùng chuyên mục

  • 0
  • 0

giá điện sinh hoạt

Mức sử dụng trong tháng Giá (đồng/kWh)
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 1.806
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 1.866
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 2.167
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 2.729
Bậc 5 Cho kWh từ 301 - 400 3.050
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên 3.151